Kiểm tra lần chót
Kiểm tra phòng thi tại Sóc Trăng. |
Sáng 31.5, đoàn thanh tra của Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xuống các hội đồng thi để kiểm tra cơ sở vật chất, điều kiện thi cử lần chót. Theo bà Nguyễn Thị Hương Trang - Phó Giám đốc Sở, đây là lần kiểm tra thứ 5 của thanh tra. Với 107 thanh tra, Bắc Ninh cũng tổ chức thanh tra chéo hội đồng thi, chéo cụm thi, nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sai sót. Ngoài lực lượng của Sở, năm nay Bắc Ninh cũng được huy động thêm 6 thanh tra ủy quyền của Bộ GDĐT.
So với năm 2010, lượng thí sinh của tỉnh không thay đổi nhiều, có gần 16.300 em. Toàn tỉnh chia làm 12 cụm với 683 phòng thi. Số cán bộ coi thi được huy động là trên 1.700 người.
Khác với Bắc Ninh, Sở GDĐT tỉnh Nghệ An kết thúc kiểm tra điểm thi từ ngày 30.5 Trưởng phòng Khảo thí Đậu Văn Phúc cho hay, mỗi hội đồng thi sẽ được bố trí 2 - 3 thanh tra. Với tổng số thí sinh dự thi lên đến 45.000 em ở 1.900 phòng thi, Nghệ An cũng được tăng cường lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GDĐT gấp đôi Bắc Ninh, lên tới 15 người. 15 cũng là số thanh tra ủy quyền được Bộ GDĐT cử về TP.HCM. Năm nay, toàn thành phố có 70.000 thí sinh dự thi tại 2.900 phòng thi và “tổng động viên” gần 9.000 cán bộ làm công tác thi. Lực lượng thanh tra của Sở lên tới 323 người.
Tại Hà Nội, sáng 30.5, Ban chỉ đạo thi của Sở GDĐT Hà Nội cũng đã họp và công bố quyết định thành lập hội đồng coi thi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và thống nhất phương thức làm việc, kiểm tra công việc chuẩn bị. Lực lượng thanh tra hơn 300 người cũng đang rà soát những khâu cuối cùng.
Mời công an vào cuộc
An Sơn
Để đảm bảo an ninh cho kỳ thi, ngoài lực lượng thanh tra của mình, các sở GDĐT đều có công văn đề nghị ngành công an hỗ trợ đảm bảo an ninh trường thi. Theo ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM, năm nay là năm đầu tiên Bộ GDĐT cho phép các hội đồng thi được đưa máy tính nối mạng Internet vào khu vực thi. Điều này sẽ hỗ trợ công tác báo cáo được nhanh hơn, đồng thời cũng yêu cầu các điểm thi phải được đảm bảo an ninh chặt chẽ hơn. Tất cả các hoạt động này sẽ được đặt dưới sự giám sát của công an và thanh tra.
Sở GDĐT Bắc Giang cũng đã có công văn gửi Công an tỉnh huy động lực lượng hỗ trợ công tác thi cử. Theo đó, ở mỗi địa điểm thi sẽ có công an địa phương đảm bảo an ninh trong và ngoài khu vực thi. Lực lượng an ninh xã, phường, dân phòng cũng được điều động để đảm bảo không xảy ra lộn xộn ở cổng điểm thi. Tại Huế sẽ có lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ quá trình chuyển giao đề thi. Công an tỉnh cũng sẽ bảo đảm an ninh trật tự địa điểm thi và có biện pháp quản lý phòng ngừa các hành vi vi phạm quy định về khu vực thi.
Bên cạnh việc phối hợp với lực lượng an ninh, để kỳ thi diễn ra suôn sẻ, các sở GDĐT đều có đề nghị ngành điện lực không cắt điện trong thời gian thi, ngành giao thông công chính hỗ trợ phân luồng để giúp thí sinh đến điểm thi thuận lợi…
Ở các tỉnh có học sinh phải đi thi xa như Bắc Giang, Quảng Trị, Nghệ An, việc phối hợp với các địa phương để hỗ trợ học sinh về ăn ở, đi lại càng được thực hiện sát sao hơn. Theo ông Phạm Quang Tuân - Trưởng phòng Khảo thí, Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, thí sinh đi xa nhất của tỉnh là các em ở Trường THPT Đăk Rông 2, phải đi 60km đến thi ở Trường THPT Đăk Rông 1. Lãnh đạo huyện Đăk Rông đã bố trí xe để đón các em đi thi. Kinh phí thuê xe do huyện chu cấp.
“Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Chúng tôi đã sẵn sàng cho kỳ thi” - ông Tuân nói.
Hoàng Tuấn