Trưởng thành và có được như ngày hôm nay là một câu chuyện cảm động về nghị lực vượt khó của chàng trai người Tam Kỳ, Quảng Nam.
11 tuổi dám quyết định cuộc đời mình
Tuổi thơ của Phan Văn Long gắn liền với ngôi nhà xập xệ và khó khăn nhưng niềm đam mê bóng đá của anh luôn cháy bỏng. Ảnh: Văn Hòa.
Hiểu được hoàn cảnh của nhà mình, cậu bé Long đã không nản chí mà vẫn miệt mài vừa giúp đỡ bố mẹ, vừa âm thầm học đá bóng ở trường trong những giờ ra chơi. Nhờ thế, kỹ năng chơi bóng của Long không bị “cùn” và Long trở thành một cầu thủ quan trọng của đội bóng nhà trường, thi đấu các giải nhi đồng cấp thành phố, cấp tỉnh.
Đến năm học lớp 6, khi Long 11 tuổi, SHB Đà Nẵng vào Quảng Nam tuyển quân, cậu bé Phan Văn Long đã tự mình đăng ký tham gia và trúng tuyển.
“Long giấu gia đình để đi thi tuyển bóng đá, nên gia đình tôi hoàn toàn bất ngờ khi trên tỉnh gửi giấy báo Long đỗ vào lớp năng khiếu bóng đá của SHB Đà Nẵng. Biết cháu mê bóng đá đấy, nhưng nhà nghèo, ngày nào đi học về cũng theo ba mẹ ra đồng thì lấy đâu thì giờ mà đá bóng”, bà Huỳnh Thị Tiến, mẹ Phan Văn Long cho biết.
Bất ngờ với giấy báo trúng tuyển, bố mẹ Long tiếp tục rơi vào hoàn cảnh khó xử khi Văn Long mới 11 tuổi, còn quá bé và ốm yếu đã phải xa gia đình. Tuy nhiên, trước khát khao và nguyện vọng muốn được trở thành cầu thủ của cậu con trai cả, ông bà đành quyết định gửi gắm Long cho các thầy ở “lò” SHB Đà Nẵng.
“Gia đình không có bà con thân thích gì ở Đà Nẵng, nên việc Long ra ngoài Đà Nẵng học đá bóng chúng tôi hoàn toàn nhờ cậy các thầy ở đó. Lúc đầu, mỗi tuần một lần tôi có bắt xe ra thăm con, nhưng sau Long đã quen nên tôi cũng rất ít khi ra thăm cháu.
Ra SHB Đà Nẵng thăm con, nhìn con họ được bố mẹ sắm sửa đủ thứ từ giày dép đến áo quần mới, còn Long dùng đồ cũ, nhiều lúc ra về tôi ứa nước mắt. Cũng may, Long là đứa ngoan ngoãn, biết lo nghĩ cho bố mẹ nên rất cố gắng và cũng chẳng bao giờ đòi hỏi gì”.
Trở thành “Long Di Maria”
Nói về người học trò của mình, HLV Phan Công Thìn tự hào chia sẻ: “Về mặt đạo đức, tôi rất quý Long vì em ấy rất hiền, ít nói, sống thầm lặng, có tinh thần cầu tiến.
Về kỹ năng, Long có kỹ thuật và tư duy chơi bóng của một cầu thủ tài năng. Kỹ năng dứt điểm đa dạng, đặc biệt, Long dứt điểm bóng sống thuộc vào dạng hiếm của bóng đá Việt Nam”.
Đúng như lời ông Thìn, Phan Văn Long với sự siêng năng cũng những phẩm chất sẵn có đã trưởng thành rất nhanh để trở thành một trong những tài năng đáng kỳ vọng nhất của bóng đá thành phố bên bờ sông Hàn. Để rồi trong lần đầu tham dự giải U17 QG 2013, Văn Long lập tức trở thành trụ cột giúp SHB Đà Nẵng đoạt chức vô địch. Năm đó, Văn Long cũng ẵm luôn cả danh hiệu cá nhân là Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Thể hiện thành công ở các giải trẻ, tiền đạo của SHB Đà Nẵng lọt vào mắt xanh của HLV Guillaume Graechen và ông thầy người Pháp đã dành cho Long một suất ở đội tuyển U19 Việt Nam.
Cú vẩy má ngoại điệu nghệ “như siêu phẩn của Bergkamp” để ấn định tỉ số 4-1 cho U19 Việt Nam trước U19 Myanmar trên SVĐ QG Mỹ Đình tại giải U19 Đông Nam Á 2014 là khoảnh khắc kỳ diệu, giúp chàng tiền đạo trẻ SHB Đà Nẵng vụt sáng giữa một rừng sao đến từ Học viện HAGL Arsenal JMG. Khoảnh khắc ấy giúp nhiều người biết đến Phan Văn Long và biệt danh “Long Di Maria” cũng gắn liền với cầu thủ này từ đây.
“Long tự lập từ bé, chúng tôi rất vui mừng vì Long trưởng thành và có được như ngày hôm nay. Bây giờ, Long là niềm tự hào lớn của gia đình, hàng xóm láng giềng… Cũng nhờ xem Long đá bóng trên TV mà nhiều người đã biết đến gia đình chúng tôi, giúp chúng tôi nở mày nở mặt.
Ngày trước nhà nghèo không có điều kiện để cho Long đi đá bóng, may nhờ các thầy ở SHB Đà Nẵng đã làm việc này thay gia đình, chúng tôi thật sự rất biết ơn”, ông Phan Đình Thêm, bố Phan Văn Long chia sẻ.