Anh Phùng Trung Đức, lái xe ôm tại Bến xe Mỹ Đình cho biết, sau vụ sập cần cẩu ở đường Cầu Giấy, hành khách đi xe ôm từ bến xe này về nội thành đã xuất hiện thói quen… lạ.
“Sau khi nói điểm đến, thỏa thuận giá cả xong, hành khách nào cũng “chếch” ngay lộ trình. Lần đầu là vào sáng 13/5, một nữ hành khách vừa xuống xe tuyến Nghệ An - Hà Nội vẫy tôi và hỏi giá cả về đầu Đê La Thành. Thỏa thuận giá xong, nữ hành khách nọ hỏi lộ trình đường đi. Ban đầu cứ nghĩ hành khách hỏi đường là chuyện thường nên tôi "phán" ngay tuyến Phạm Hùng - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Đê La Thành hoặc Tôn Thất Thuyết - Trần Thái Tông - Cầu Giấy - Đê La… Tôi nói chưa xong lộ trình thì nữ hành khách ngắt lời và yêu cầu, đi tuyến nào để tránh đường Xuân Thủy - Cầu Giấy vì sợ thép rơi, cẩu đè thì đi. Sau đó, nữ hành khách nọ đã chọn lộ trình Tôn Thất Thuyết - Trần Thái Tông - Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh - Nguyễn Khánh Toàn…để về Đê La Thành và chịu giá cao hơn lộ trình cũ”.
“Khác với lái xe ôm, lái xe taxi không bị yêu cầu đi tránh hai tuyến Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu… bởi trước đó Sở GTVT đã cắm biển cấm và phân luồng taxi đi trên các tuyến khác. Tuy nhiên, câu chuyện giữa hành khách và tài xế lại chủ yếu xoay quanh vụ sập cẩu, rơi thép”, anh Đoàn Xuân Thao, lái xe taxi Mai Linh cho biết.
Cũng theo anh Thao, phần lớn cư dân xóm trọ nơi anh ở (ngõ 79, Dương Quảng Hàm) vốn trước đây hay chọn đường Cầu Giấy, Xuân Thủy để lưu thông nay đã bàn nhau “vạch” đường khác để đi. Mục đích của cuộc “họp xóm” bất thường vào tối ngày 12/5 là để tìm đường đi “vừa an toàn vừa tránh được ùn tắc vào giờ cao điểm”.
Ngày 21/5 tới, nhà thầu Dealim (Hàn Quốc) bị buộc phải hoàn tất việc kiểm tra, rà soát lại biện pháp thi công, tăng cường giám sát trên công trường nhằm bảo đảm an toàn để Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội báo cáo UBND thành phố. Đây là một phần nội dung trong cuộc họp kiểm điểm do Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức chiều 13/5, sau khi các sự cố nghiêm trọng liên tiếp xảy ra.
Trong cuộc họp này, đại diện nhà thầu chính Daelim đã xin lỗi và nhận trách nhiệm đã để xảy ra sự cố. Nhà thầu này được yêu cầu phải chấp hành các quy định xử phạt theo pháp luật Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư tiếp tục việc khắc phục hậu quả và hỗ trợ người bị thiệt hại. Ngoài nhà thầu chính, đơn vị tư vấn Systra cũng phải có báo cáo làm rõ trách nhiệm giám sát tại hiện trường nhằm phục vụ việc củng cố tăng cường công tác giám sát sau này, bảo đảm an toàn công trình.
Liên quan đến sự cố này, ngày 13/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký văn bản yêu cầu Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội chỉ đạo dừng mọi hoạt động thi công trên công trường các gói thầu số 1, số 2 của dự án để thực hiện kiểm tra, rà soát các biện pháp thi công bảo đảm trật tự ATGT, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Ông Hùng yêu cầu kiên quyết loại ra khỏi công trường mọi thiết bị, máy móc, vật tư không bảo đảm yêu cầu về an toàn kỹ thuật, chất lượng; đình chỉ thi công đối với các nhà thầu không tuân thủ các kế hoạch và quy trình thi công đã phê duyệt, không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thi công.