Cầu Cổ Chiên vượt qua sông Cổ Chiên, cách bến phà hiện hữu khoảng 3,6 km về phía hạ lưu.
Đây là một trong bốn cầu lớn nằm trên Quốc lộ 60 (gồm cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên và Đại Ngãi - đang chuẩn bị đầu tư) nhằm giảm bớt khoảng cách lưu thông giữa các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang đi TP.Hồ Chí Minh và ngược lại.
Riêng cầu Cổ Chiên đi vào hoạt động sẽ giúp rút ngắn khoảng cách đi lại từ TP.HCM đến Trà Vinh khoảng 70 km so với việc đi từ Quốc lộ 1. Cầu Cổ Chiên cũng sẽ góp phần quan trọng cho việc triển khai các dự án đang có và mời gọi đầu tư mới vào tỉnh Trà Vinh.
Cầu Cổ Chiên có phần cầu chính dài gần 1.600 m, rộng 16 m, quy mô bốn làn xe (đường cấp III đồng bằng), vận tốc thiết kế 80 km/h với tổng vốn đầu tư là 2.308 tỷ đồng. Sau gần 2 năm thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo Bộ GTVT, dự án cầu Cổ Chiên đã hoàn thành vượt tiến độ hơn 3 tháng (dự kiến ban đầu là 8.2015).
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tôi rất vui mừng vì cầu Cổ Chiên được thông xe. Cầu Cổ Chiên có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống người dân các địa phương trong vùng ĐBSCL, đặc biệt là Bến Tre và Trà Vinh. Ước mơ ngàn đời có cầu nối liền 2 bờ sông Cổ Chiên của người dân đã trở thành hiện thực”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, Ban quản lý dự án, đội ngũ công nhân, kỹ sư đã ngày đêm xây cầu. Thủ tướng cũng đề nghị 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh khẩn trương rà soát lại quy hoạch, đề ra chính sách thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế từ việc phát triển hạ tầng giao thông.