Dân Việt

"Không nhất thiết phải cấp thêm GPLX ô tô số tự động"

Nguyễn Đức 16/05/2015 11:25 GMT+7
“Tôi thấy không nhất thiết phải cấp thêm giấy phép lái xe ô tô số tự động. Nên giữ nguyên chương trình đào tạo giấy phép lái xe B1, B2 như hiện nay và tăng thêm thời lượng học xe số tự động lên khoảng 20 giờ học”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho hay.

Bộ GTVT đang điều chỉnh Thông tư 46 theo hướng sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo lái xe và thực hành, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe số tự động. Dự kiến, trong tháng 9.2015, thông tư được điều chỉnh xong, sau đó sẽ áp dụng.

img
Việt Nam sẽ cấp thêm GPLX cho người điều khiển ô tô số tự động (Ảnh minh họa: Nguyễn Đức)  

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, không nhất thiết phải cấp thêm giấy phép lái xe ô tô số tự động bởi, sẽ gây khó khăn, thủ tục phiền hà cho người dân, đặc biệt đối với những người khi đã có giấy phép lái xe số tự động.

“Nếu như người dân có giấy phép lái xe số sàn thì đương nhiên họ có thể lái được cả xe ô tô số tự động. Nhưng ngược lại, nếu người dân có giấy phép lái xe số tự động họ lại không thể lái được ô tô số sàn. Nếu họ lái sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Như vậy, người dân vẫn gặp khó, chưa thể linh hoạt trong việc sử dụng xe ô tô số sàn và tự động”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho hay, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ, nên giữ nguyên chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng B1, B2 như hiện nay. Người dân chỉ cần học lái xe số sàn để điều khiển cả xe ô tô số tự động và số sàn.

“Tôi nghĩ vấn đề chính nằm ở quy trình đào tạo lái xe hiện nay. Tôi được biết, hiện nay sau khi học viên đăng ký học lấy giấy phép xe số sàn thì họ sẽ phải học thêm 10 giờ lái xe số tự động. Tôi thấy số giờ này vẫn ít, cần phải tăng thêm (có thể lên đến 20h giờ học lái xe tự động). Trong đó, sẽ giới thiệu sâu hơn cho các học viên về nguyên lý hoạt động, cách xử lý các tình huống hay gặp phải đối với xe tự động…”, ông Thanh nêu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông Việt Nam cho biết, nếu người dân chỉ học lấy giấy phép lái xe số tự động sẽ khó có thể lái được xe ô tô số sàn. Ngoài ra, cảnh sát giao thông cũng khó kiểm tra hết bằng lái của người điều khiển xe trên đường.

“Nhiều người nói các vụ xe ô tô “điên” gây tai nạn liên hoàn trong thời gian qua đều do người điều khiển xe ô tô tự động gây ra. Tôi không nghĩ vậy, việc xe ô tô gây tai nạn nguyên nhân chính vẫn là do chạy tốc độ cao, người lái không làm chủ được được nên gây tai nạn. Cái quan trọng vẫn ở quy trình đào tạo, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung thêm giờ học lý thuyết và thực hành để học viên được đào tạo bài bản, linh hoạt xử lý khi gặp các tình huống xấu”, Tiến sĩ Thủy nói.

Theo tiến sĩ Thủy, nên giữ nguyên một loại giấy phép lái xe sử dụng cho cả xe số và tự động như hiện nay. Người dân thích đi xe ô tô loại nào cũng được. Mặt khác, họ có thể dễ dàng thay đổi loại xe khi có nhu cầu sử dụng. Như vậy, sẽ tạo thuận lợi cho người dân hơn.

Tiến sĩ Thủy cho biết thêm, hiện nay, ở một số nước phát triển như Đức, Nhật Bản, Singapore…có cấp riêng hai loại giấy phép lái xe số tự động và số sàn. Nhưng cũng có một số nước không tách riêng mà gộp lại thành một. Còn ở Việt Nam, cơ quan chức năng có thể cân nhắc sao hợp lý, cái gì thuận lợi nhất cho người dân thì làm.

Anh Nguyễn Huy Đoàn, giảng viên dậy lái xe ô tô tại Trung tâm dạy nghề Tân Thịnh (Hà Nội) cho biết, hiện nay các học viên học lái xe số sàn sẽ phải trải qua khóa học khoảng gần 3 tháng (khoảng 200 giờ học lý thuyết và thực hành). Sau khi học xong, học viên tiếp tục học thêm khoảng 10h thực hành xe số tự động.

Anh Đoàn cho rằng, hiện tại cũng không nhất thiết phải cấp thêm giấy phép lái xe số tự động cho người dân. Để tạo thuận lợi cho người dân nên tăng thêm thời lượng học lái xe tự động lên khoảng 15- 20 giờ . Đồng thời, trong bài giảng nên hướng dẫn các tình huống, cách xử lý đối với người điều khiển xe tự động khi gặp phải trên đường.

“Hiện nay, tôi thấy trên địa bàn Hà Nội chưa có một trung tâm sát hạch đào tạo lái xe nào đầu tư riêng cho việc cấp giấy phép lái xe tự động. Như vậy, nếu thực hiện, cơ quan chức năng lại phải đầu tư đồng bộ vật chất, mua thêm xe ô tô số tự động, đào tạo lại giáo viên, quy trình hướng dẫn… Như vậy, rất tốn kém và mất thời gian”, anh Đoàn nói.