Triển lãm “Bao cấp – xếp hàng về quá khứ” khai mạc ngày 16.5, tại tầng 2 tòa nhà Indochina (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) thu hút đông đảo người dân đến tham quan và trải nghiệm. Triển lãm trưng bày hiện vật và phục dựng một số bối cảnh cuộc sống của người Hà Nội trong thời kỳ bao cấp từ năm 1975 – 1986.
Cảnh xếp hàng mua lương thực được tái hiện qua những bức tranh sống động.
Tại triển lãm, khách tham quan còn có cơ hội trải nghiệm thực tế các hoạt động đời sống thời bao cấp như xếp hàng đổi tem phiếu, xem chiếu bóng...
Đứng hồi lâu nhìn đoàn người xếp hàng trước cửa hàng mậu dịch của triển lãm, ông Phan Thanh Bình (61 tuổi, ở phố Bà Triệu) tâm sự: “Hồi xưa, cuối tuần hai vợ chồng tôi cũng không được nghỉ ngơi, mà phải thay phiên nhau xếp hàng từ sáng sớm để mua thực phẩm. Xếp hàng từ sáng đến trưa không mua được chai mắm, lạng thịt là chuyện thường. Tôi đến đây để tìm lại một vài hình ảnh kỷ niệm thời kỳ khó khăn mà thế hệ chúng tôi đã trải qua”.
Bạn Nguyễn Thị Oanh (sinh viên năm 4, Đại học Phương Đông) chia sẻ: “Em cũng từng nghe ông bà, bố mẹ kể về cuộc sống thời bao cấp. Nhưng hôm nay em mới tận mắt nhìn thấy tem phiếu, tự mình xếp hàng để mua bánh mỳ. Đây là một trải nghiệm rất thú vị!”.
Một số hình ảnh trong buổi triển lãm “Bao cấp – xếp hàng về quá khứ”:
Khách tham quan được phát phiếu và xếp hàng để mua bánh mỳ.
Chiếc tem mua bánh mỳ mô phỏng lại tem thời bao cấp.
Tem đường, phiếu vải thời kỳ từ năm 1979 - 1985.
Một tấm phiếu bồi dưỡng người đẻ của cán bộ công nhân viên năm 1970.
Phòng khách của một gia đình khá giả thời kỳ bao cấp ở Hà Nội.
Chiếc tivi đen trắng Sanyo vỏ đỏ, trước năm 1990 đây một tài sản rất giá trị và hiếm có.
Bật lửa dầu Trung Quốc.
Chiếc giường ngủ với chăn họa tiết chim công, cạnh đó là đôi dép nhựa Tiền Phong.
Mũ cối Trung Quốc, một mặt hàng xa xỉ, giá bằng 1 chỉ vàng vào những năm 1980 (khoảng 80 đồng). Vào thời kỳ cao điểm, giá mũ cối có thể lên tới 150 đồng, gần bằng 2 chỉ.
Chiếc xe đạp chắp vá phụ tùng.
Bàn làm việc, giá sách của một công chức thời kỳ bao cấp.
Chiếc đài bán dẫn đeo hông, một tài sản nhiều người ao ước.
Ông Phan Thanh Bình (61 tuổi, Bà Triệu, Hà Nội) cùng vợ đến xem triển lãm để hồi tưởng lại một thời kỳ khó khăn vất vả.
Nhiều bạn trẻ thích thú với những dòng “thơ Bút Tre” thời bao cấp.
Những năm 1970, Hà Nội phổ biến bài thơ nói về tiêu chuẩn yêu đương, kén chồng của các cô gái.
Triển lãm “Bao cấp – xếp hàng về quá khứ diễn ra từ 16.5 – 21.5, tại tầng 2 tòa nhà Indochina, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.