Dân Việt

Giun đũa chó mèo đi lạc chỗ, bác sĩ chẩn đoán ung thư gan

Infonet 17/05/2015 13:00 GMT+7
Nhiều người bị ký sinh trùng di chuyển vào nội mô gây tổn thương ở các bộ phận, rất dễ nhầm lẫn với ung thư, đặc biệt là ung thư gan.  
Bị giun đũa chó mèo lạc chỗ vào gan

Bệnh nhân Phan Thị H. 44 tuổi trú tại Tây Hồ, Hà Nội từng điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Theo lời chị H. gần đây xuất hiện đau vùng thượng vị dù không ợ hơi hay ợ chua, ăn uống bình thường, không gầy sút cân. Nhưng chị H. vẫn lo lắng. Bố chị H. có tiền sử đau dạ dày rồi chuyển sang ung thư dạ dày. Nên khi chị có các dấu hiệu này người thân khuyên đi kiểm tra sức khỏe ngay. Chị H. đến khám tại một bệnh viện tư nhân ở Hà nội. 

img
Hình ảnh con giun đũa

 

Khi đó, bác sĩ cho siêu âm ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Hồ sơ chụp CT chẩn đoán có ổ tổn thương tại gan phải. Chị làm thêm thủ thuật nội soi dạ dày, kết quả trong dạ dày có ổ loét môn vị dạ dày. Do có tổn thương ở gan và đang bị loét dạ dày nên chị H. vào Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội khám và điều trị lại ở đây.

Các bác sĩ đã làm các xét nghiệm, kết quả nội soi dạ dày cho kết quả niêm mạc hang vị xung huyết, tổn thương gan chưa rõ ràng nghiêng về tổn thương thứ phát. Ngay sau đó, bệnh nhân được tiến hành điều trị viêm dạ dày và chụp cộng hưởng từ ổ bụng. Hình ảnh trên phim cho thấy nhu mô gan hạ phân thùy IV có tổn thương kích thước 10 x15 mm, bờ và ranh giới không rõ, có tính chất lành tính. Lúc này, bác sĩ đã nghĩ đến khả năng có thể do ký sinh trùng trong gan. 

Làm thêm xét nghiệm ELISA sán lá gan lớn, giun lươn, giun đũa chó mèo, những kí sinh trùng hay gặp ở người dân Việt Nam và có gây tổn thương tại gan thì kết quả bệnh nhân dương tính với giun đũa chó mèo. Soi phân có hồng cầu trong phân.

Bệnh nhân được điều trị Zentel 200mg x4 viên ngày uống trong 15 ngày, sau đó 2 tuần bệnh nhân được xét nghiệm lại ELISA giun đũa chó mèo, soi phân....

Một trường hợp khác đến khám tại phòng khám chuyên ngành của Viện Sốt rét Ký sinh trùng trung ương là anh Nguyễn Văn Lư trú tại Hà Đông, Hà Nội. Anh cũng bị giun đũa chó mèo tấn công gan. Anh Lư đến khám tại Bệnh viện K, ban đầu bác sĩ còn chẩn đoán K gan. Khi biết mình bị ung thư gan, anh Lư hoang mang vô cùng. Khi bác sĩ làm lại các xét nghiệm trong đó có test xét nghiệm ký sinh trùng, kết quả, anh Lư bị ký sinh trùng giun chó mèo trú ở gan. Bác sĩ chuyển anh sang viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương. Tại đây, bác sĩ khuyên anh nên đưa cả nhà đến khám. Lúc này, hai con gái của anh Lư cũng đang ngứa và da xước vì các vết ngứa. Kết quả cả nhà anh dương tính với giun đũa chó mèo.

Anh Lư cho biết gia đình anh có một bãi đất trống rộng trước nhà. Người mua đất chưa xây nhà nên có nhiều chó mèo đến đó phóng uế. Thi thoảng, gia đình anh ra đó lấy đất và trồng hoa. Có lẽ vì thế, giun đũa chó mèo đã có cơ hội chu du vào cơ thể.

Giun đũa chó mèo có thể tấn công não, phổi

PGS -TS Nguyễn Văn Đề - Bộ môn ký sinh trùng – Đại học Y Hà Nội cho biết ở nước ta, chó mèo được nuôi không kiểm soát, thả rong, phân chó bắt gặp ở khắp nơi, do đó mọi người đều có nguy cơ nhiễm giun đũa chó mèo. Ấu trùng giun đũa chó có thể sống trong cơ thể người đến 10 năm và bảo tồn sự sống bằng cách thải ra chất ngụy trang để chống lại sự tấn công của bạch cầu ái toan và kháng thể của chúng.

Đặc điểm lâm sàng của bệnh rất đa dạng, khó xác định, phụ thuộc rất nhiều vào số lượng, vị trí ký sinh của ấu trùng và đáp ứng của của cơ thể người bị nhiễm, chẩn đoán thường dựa vào miễn dịch học.

Các triệu chứng của bệnh hiếm khi điển hình, các triệu chứng hay gặp như: mệt mỏi, ăn mất ngon, thể trạng kém và có dạng dị ứng (nổi mẩn ngứa, nổi ban mày đay…). Gan là cơ quan hay bị xâm nhiễm nặng nhất và gan to là biểu hiện thường gặp mặc dù gan cũng như bất kỳ cơ quan nào cũng có thể bị xâm nhiễm. Tổn thương ở gan giống như một khối u dễ nhầm với ung thư di căn. Bạch cầu ái toan thường tăng trên 10% số lượng bạch cầu nhưng có tới 25% số bệnh nhân bạch cầu ái toan không tăng.

Chẩn đoán huyết thanh miễn dịch học giúp phát hiện những bệnh nhân nhiễm giun đũa chó nhưng có triệu chứng không rõ ràng. Thử nghiệm huyết thanh học ELISA dùng kháng nguyên ấu trùng giun toxocara, độ nhạy từ 75-90%. Ngoài ra chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ cơ quan nghi ngờ tổn thương cũng cho phép định hướng tổn thương.

Sau khi xâm nhập vào người, ấu trùng giun đũa có thể di chuyển vào mắt, thường ở một bên mắt, hiếm khi hai bên, làm giảm thị lực, đau mắt, lé mắt kéo dài nhiều tuần, thường gặp nhất là u hạt võng mạc. Những biểu hiện thường gặp khác là viêm màng bồ đào, viêm thần kinh thị, có mủ trong mắt. Khi vào phổi gây ra triệu chứng hay gặp là ho, khò khè, có thể lên cơn hen suyễn hoặc viêm phổi, tràn dịch màng phổi và gây suy hô hấp.

Ngoài ra, giun đũa chó mèo còn di chuyển lên não gây tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, có những biến chứng trầm trọng làm cho bệnh nhân bị yếu cơ, rối loạn cảm giác, co giật, hôn mê, động kinh, mất điều khiển vận động, cứng cổ, rối loạn tâm thần… Nhiều trường hợp nặng gây chết người.

Để phòng tránh bệnh giun đũa chó, mèo, Cục y tế Dự phòng - Bộ Y tế có hướng dẫn rất cụ thể. Bệnh giun đũa chó, mèo không lây trực tiếp từ người sang người nên biện pháp phòng bệnh là hạn chế tiếp xúc với chó, mèo, đặc biệt là: không ôm hôn, bồng bế, vuốt ve chó, mèo. Nếu có tiếp xúc với chó, mèo thì sau đó cần rửa tay bằng xà bông. Vệ sinh môi trường, không để chó, mèo phóng uế bừa bãi, tẩy giun sán định kỳ cho chó, mèo...