Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của nhạc sĩ Phong Nhã là một trong những ca khúc hay nhất của thế kỷ XX. Ra đời vào năm 1946, ca khúc vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam suốt chặng đường lịch sử.
Ca từ giản dị, trong sáng và gần gũi làm toát lên hình ảnh vị Chủ tịch vĩ đại như một người ông, người cha già thân thương.
“Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh
Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài”
Nói về cảm hứng sáng tác, nhạc sĩ Phong Nhã từng chia sẻ: “Thấy đàn cháu đứng reo lên Hồ Chí Minh muôn năm, Bác nhoài người ra vẫy tay bằng cả hai tay, thân thiết như người ông thân yêu của đàn cháu. Giây phút ấy tôi rất cảm động vì Bác là một chủ tịch nước nhưng đối với các cháu lại thân mật như một người ông vậy. Tôi cảm thấy cần phải có một bài hát về Bác nhưng phải thật gần gũi và thân thương.
Và trong buổi sinh hoạt đội, anh phụ trách đố các em là: Ai yêu Bác Hồ nhất? Các em nói rằng nhi đồng yêu Bác Hồ nhất rồi cùng nhau hô: Bác Hồ yêu thiếu nhi nhất và thiếu nhi yêu Bác Hồ nhất… Tôi nảy ra ý tứ và cứ thế phát triển”.
Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác
Giai điệu vui tươi, ca từ nhẹ nhàng trong sáng của ca khúc Từ rừng xanh về thăm lăng Bác đã gửi gắm nhiều tình yêu của các em bé trong một lần được tới viếng thăm lăng Bác Hồ kính yêu trên quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
“Đi từ bản làng xa xôi
Chân em bước qua bao núi.
Núi nhìn theo lá rừng reo
Chân em bước qua bao đèo…
Núi muốn hỏi, suối nhắn hỏi, sao bạn nhỏ vui thế?
Xin nói cùng nghe!
Náo nức nhiều, em vui nhiều
Hôm nay được về thủ đô thân yêu
Đến thăm lăng Bác Hồ.”
Hai anh em nhạc sĩ Hoàng Long – Hoàng Lân đã chọn những ca từ bình dị và gần gũi với trẻ thơ để nói lên niềm vui sướng, hân hoan khi được một lần về Thủ đô thăm Bác.
Qua năm tháng, ca khúc vẫn luôn cháy mãi và được thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau.
Như có Bác trong ngày vui đại thắng
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những ca từ hào sảng và bình dị của ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng như tiếng reo vang trường tồn mãi với thời gian.
Được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác chỉ trong 2 giờ đồng hồ đêm ngày 28.4.1975, 2 ngày trước khi giải phóng miền Nam và thu âm trong chiều 30.4 để phát sóng mừng ngày chiến thắng đất nước trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông,
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh”.
Với giai điệu hào hùng nhưng gần gũi, lời ca súc tích, ngắn gọn, cả nhan đề và lời chưa tới 60 từ nên ca khúc được nhiều thế hệ người con Việt Nam “nằm lòng” và thường hát trong nhiều dịp lễ, kỉ niệm lớn.
Em mơ gặp Bác Hồ
Nhạc sĩ Xuân Giao đã viết nên ca khúc bất hủ này vào năm 1969, ngay sau khi Bác qua đời ít ngày. Sự đau đớn, hụt hẫng và tiếc nuối khi hay tin Người qua đời đã thôi thúc ông viết lên những nốt nhạc bình dị.
Hòa cùng nỗi đau của dân tộc, nhạc sĩ Xuân Giao chợt nhớ lại kỷ niệm năm 15 tuổi khi được gặp Bác vào năm 1946 tại Hải Phòng. Và cứ thế, những lời ca bình dị nảy ra trong đầu ông, giống như một giấc mơ được gặp lại Người.
Qua 46 mùa xuân, sức sống của bài hát vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu.
“Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
Râu bác dài tóc Bác bạc phơ
Em âu yếm hôn đôi má bác
Vui bên bác là em múa hát”.