Dân Việt

Học Bác từ điều giản dị nhất

Đức Hiếu (thực hiện) 19/05/2015 06:58 GMT+7
“Bác Hồ bình dị mà cao quý. Người đã tạo nên sự vĩ đại từ những hành động tưởng như rất bình thường. Đó chính là phong cách, lối sống, đạo đức cách mạng, phẩm chất lớn lao mà tôi luôn kính phục, nỗ lực học tập và làm theo”.

Nhân kỷ niệm 125 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Oanh - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng nói như vậy trong cuộc trao đổi với NTNN.

Thưa ông, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, với ký ức cá nhân, kỷ niệm nào về Bác đối với ông là sâu sắc và tạo ra nhiều nghị lực cống hiến nhất?

img
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Tư liệu

- Đã 70 năm trôi qua, nhưng tôi không bao giờ quên sự kiện Đại hội đại biểu quốc dân được tổ chức tại Tân Trào. Khi ấy, Bác Hồ chủ trì đại hội và tôi là thành viên tham dự với tư cách là Trưởng đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội. Tôi tham gia cách mạng đúng thời điểm Bác Hồ về nước và đưa ra chủ trương mới rất đúng đắn, mang tính căn bản: Giải phóng dân tộc trên hết và trước hết. Tôi làm cách mạng theo tư tưởng của Bác nên đã tập hợp được đông đảo anh em Trường Bưởi tại Hà Nội tham gia cách mạng. Tôi vô cùng xúc động khi ở hội nghị năm ấy, tôi được báo cáo trực tiếp với Bác Hồ về phong trào cách mạng của thanh niên tại Hà Nội. Tôi xin khẳng định lại, nếu không có Bác Hồ, thanh niên thế hệ chúng tôi khi ấy đã không thể phất cao ngọn cờ yêu nước và làm cách mạng thành công.

Ông vẫn luôn khẳng định sự kính trọng với tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những điều bình dị nhất. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quan điểm này?

Quan điểm
img
Ông Vũ Oanh
  Học Bác Hồ từ những điều giản dị, thiết thực nhất, khi còn làm cách mạng đến bây giờ, tôi luôn tự nhủ, trong mọi việc cống hiến cho Đảng, đất nước và nhân dân, thành danh không bao giờ quan trọng bằng thành công”. 
-Trên thế giới có rất nhiều vĩ nhân, nhưng không phải ai cũng toàn diện và kiệt xuất như Bác Hồ, đó là suy nghĩ của tôi. Trong hàng chục năm, Người đã đi đến rất nhiều nơi trên thế giới để tìm đường cứu nước, đó là điều rất hiếm thấy. Không những vậy, tư tưởng, tấm gương của Bác thấm sâu trong lòng tôi và mỗi người dân Việt Nam từ những hành động nhỏ, nói luôn đi đôi với làm. Khi kêu gọi toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí, bản thân Bác cũng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để góp vào hũ gạo kháng chiến. Mỗi lần đi làm việc xa, thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, Bác thường đem theo cơm nắm, muối vừng để địa phương khỏi “vì thết đãi Bác mà thịt cả con bò”. Những điều bình dị mà cao quý ấy, đến bây giờ, khi nghĩ lại tôi vẫn ứa nước mắt vì xúc động, cảm phục.

 

Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ viết: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Theo ông, điều đó có mang tính cấp bách và cần thiết ở thời điểm này?

- Ở thời điểm nào lời dạy ấy của Bác cũng luôn đúng, bởi đó chính là “tính Đảng”, là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Tôi vẫn nhớ, Bác đã từng dạy: “Một Đảng mà giấu khiếm khuyết của mình là một Đảng hỏng”. Vì thế, việc kiểm điểm, tự phê bình, phê bình nhằm đổi mới, chỉnh đốn Đảng, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền là cực kỳ quan trọng.

Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự có hiệu quả, đi vào đời sống, theo ông mỗi đảng viên cần phải làm gì?

- Đây cũng là điều mà Bác Hồ đã dạy với mỗi cán bộ cách mạng, đảng viên: Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe. Nói dễ hiểu hơn thì đó là sự sâu sát với quần chúng, làm gương trước quần chúng. Mỗi đảng viên phải tránh xa sự vô cảm, vô trách nhiệm. Còn nếu nói điều gì cũng xa rời thực tiễn, đụng vào tình huống phức tạp là đùn đẩy, né tránh thì không phải là người đảng viên chân chính. Tôi luôn thấm thía điều Bác Hồ dạy: Làm việc gì cũng phải thật, thật sự. Thật và thật sự bắt nguồn từ chính những lời nói, hành động bình thường trong cuộc sống, công việc hằng ngày. Khi đã nói và làm thật, thật sự thì sẽ tránh được sự qua loa, giả dối.

Xin cảm ơn ông!

Tiếp nhận 64 hiện vật về Bác 

Ngày 18.5, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, 14 tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh vừa trao tặng cho bảo tàng 64 tài liệu, hiện vật liên quan đến Bác Hồ. Nhiều hiện vật trong số này được người sở hữu coi như báu vật nhưng vẫn mang tặng cho bảo tàng, như: Huân chương Kháng chiến của các ông Nguyễn Văn Chư và Huỳnh Văn Ba do Bác Hồ ký tặng; thiệp chúc mừng năm mới của Bác tặng ông Trần Văn Khoa; nhiều tập trường ca bằng thơ về Bác do ông Nguyễn Đức Thanh sáng tác...   

AN SƠN 

Triển lãm tư liệu Bác Hồ với báo chí

Có 200 tài liệu được trưng bày tại Triển lãm “Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam” do Hội Nhà báo tổ chức, khai mạc ngày 18.5. Bà Trần Thị Kim Hoa- Giám đốc Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, một số hiện vật quý có giá trị đặc biệt lần đầu tiên được công bố, như bức ảnh Bác Hồ đánh máy chữ năm 1950 có chữ ký và triện của Bác tặng nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn; bài trả lời phỏng vấn 4 tờ báo của Nhật Bản có bút tích biên tập của Bác... Triển lãm còn trưng bày nhiều tờ báo gốc phát hành giai đoạn 1970- 1976 với hình ảnh Bác ở trung tâm các chiến thắng.

Huyền Thanh

Hải Phòng biểu dương 97 điển hình tiên tiến

Sáng 18.5, Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 03, các cấp ủy, cơ quan đơn vị từ thành phố đến cơ sở đã quán triệt tinh thần chuyển từ phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác từ chiều rộng đi vào chiều sâu, trở thành hoạt động lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy, hành động tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và tác động lan tỏa trong nhân dân... Dịp này, 97 gương điển hình (37 tập thể, 60 cá nhân) có thành tích xuất sắc đã được biểu dương, khen thưởng. 

Trần Phượng