Dân Việt

Trẻ chết đuối nhiều, vì sao?

02/06/2011 06:35 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ một tháng đầu hè năm 2011, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ trẻ em chết đuối. Sự gia tăng bất thường này khiến dư luận không thể đặt câu hỏi: Vì sao trẻ chết đuối nhiều và làm cách nào để giảm thiểu?

Những cái chết đau lòng!

Ngày Quốc tế thiếu nhi (1.6), trong khi trẻ em trong xóm 8, thôn Trường Định, xã Bình Hoà, Tây Sơn, Bình Định, nô nức đùa vui vì những quà bánh nhận được thì cụ Phạm Thị Phương (75 tuổi) ôm di ảnh cháu nội là em Nguyễn Minh Phước khóc òa.

img
Thiếu chỗ vui chơi, thiếu người quản lý nên các em nhỏ thường tìm đến những khu vực nguy hiểm để vui chơi và dễ gặp tai nạn đuối nước.

Cụ Phương kể lại: “Sáng 29.5, như thường lệ, 6 đứa trẻ (trong đó có 3 anh em ruột) của 3 gia đình ở sát vách nhau vẫn đùa vui trước nhà. Khi mọi người trong nhà đang mải mê làm vườn thì bất ngờ thằng Hiệp (Nguyễn Minh Hiệp, em ruột của Nguyễn Minh Phước) chạy về vừa khóc vừa nói: “Anh Hai rớt hố không lên được”. Cả xóm nháo nhào chạy theo thằng bé ra bờ kênh Vân Phong thì người ta đã vớt được xác 3 đứa anh là Phước, Hiệp, Vàng, 3 đứa em nhỏ hơn may mắn ở trên bờ.

Tội nghiệp thằng Phước! Ba làm thợ hồ, mẹ làm ruộng nên kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng thằng Phước học rất giỏi. Trước đó 2 ngày (ngày 27.5), Phước mang phần thưởng gồm một chiếc cặp và mấy cuốn sách, vở về khoe với cả nhà, ai cũng mừng. Vậy mà…”.

Bà con xóm 8 được chuyển đến tái định cư tại khu vực này gần 3 năm. Khu vực này toàn là đồi gò nên hầu hết các em thiếu niên đều không biết bơi.

img
Bà Phạm Thị Phương khóc thương đứa cháu vắn số.

Anh Nguyễn Minh Tân - cha em Hiệp, cho biết: “Nơi xảy ra tai nạn chỉ cách nhà tôi 200m. Ngày thường con kênh này không hề có nước nên có nhiều trẻ em vẫn hay chơi trong lòng kênh. Mấy ngày qua có mưa nhưng mực nước trên kênh cũng chưa quá đầu gối của người lớn.

Sau khi tai nạn xảy ra, công an đến tìm hiểu vụ việc thì người ta mới biết trong lòng kênh có một hố sâu 1,8m do một đơn vị khoan để kiểm tra địa chất. Đơn vị thi công làm ăn rất tắc trách, không để biển báo”.

Ở Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong từ lứa tuổi sơ sinh cho đến vị thành niên (50%), vượt xa những nguyên nhân tử vong khác. Theo kết quả giám sát của Bộ Y tế, 4 năm gần đây, trung bình một năm có 3.624 trẻ chết đuối. Đuối nước chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 14 tuổi (2.968 em), chiếm 83,6%. Đuối nước xảy ra ở cộng đồng (69%), tại nhà (30%) và trường học (1% )

Nửa tháng qua, trên cả nước đã xảy ra vài chục vụ tai nạn đuối nước rất thương tâm tại các hồ, đập, công trình đang thi công và chết khi đang tắm hồ, sông, biển.

Ngày 15.5, cháu Vũ Thị Thêm cùng cháu Nguyễn Văn Thành (13 tuổi) ở thôn Châu Giang 3 và Mai Thị Nga (12 tuổi) ở thôn Đắng Con, xã Âu Lâu, TP. Yên Bái đã bị tụt chân xuống hố nước gần công trình Cụm công nghiệp Âu Lâu do hôm trước trời mưa nên nền đất ở nơi này bị xốp. Hậu quả là cháu Thêm tử vong.

Tại Thừa Thiên- Huế, chiều 29.5 có 8 học sinh tắm biển ở xã Điền Lộc, huyện Quảng Điền và đã bị sóng cuốn ra xa. Hậu quả là em 2 em chết, 2 hôn mê, còn lại bị thương. Ở Phú Yên, chiều 12.4, em Võ Thị Thanh Nga - học sinh lớp 7 Trường THCS Hùng Vương, TP.Tuy Hòa khi cùng nhóm bạn tắm sông Đà Rằng đã bị sụp hố sâu và tử vong.

Trưa 18.4, em Nguyễn Văn Vũ - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học An Cư số 2 (xã An Cư, huyện Tuy An) đi bắt ốc tại đầm Ô Loan để phụ giúp gia đình đã sụt chân xuống chỗ nước sâu và không thoát được. May mắn hơn các trường hợp trên, ngày 30.5, em Nguyễn Phi Long ở phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum đã trượt chân rơi xuống hố nước sâu trên địa bàn phường do một đơn vị thi công đường đào, nhưng đượcngười dân phát hiện và cứu sống..

Môi trường sống thiếu an toàn

Trở lại vụ việc 3 bé tử vong do đuối nước ở xã Bình Hoà (Bình Định), ông Từ Văn Bảy - Trưởng xóm 8 cho hay: Kênh Vân Phong được khởi công xây dựng từ năm 2010, do nhiều đơn vị thầu thi công. Nơi xảy ra tai nạn thuộc khu vực thi công của Công ty Xây dựng Phương Nam. Sau khi xảy ra tai nạn, nhiều người dân địa phương rất bất bình vì lòng kênh có hố sâu nhưng không có biển báo. Tuyến kênh này rất dài, nếu các đơn vị thi công không có biển báo, không có lưới rào chắn những nơi đang thi công thì sẽ còn gây nguy hiểm cho rất nhiều người.

Trẻ chết do không biết bơi

Nhiều cuộc khảo sát tại Việt Nam cho thấy hầu hết trẻ em bị đuối nước là do không biết bơi. Theo kết quả đánh giá nhanh của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ở một trường THCS tại tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 5.2007, cho thấy: Chỉ dưới 10% học sinh trong trường có thể bơi được khoảng 25m chiều dài. Trong khi đó hầu hết các em cho biết là thường hay chơi đùa gần hay trong sông, hồ, suối và cha mẹ các em biết bơi nhưng họ đã không dạy các em bơi vì hai nguyên nhân chính: Các bậc phụ huynh quá bận với công việc hàng ngày; họ sợ con em mình bị đuối nước khi biết bơi!

Nguồn: Cục Bảo vệ- chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH)

Tương tự, công trình Cụm công nghiệp Âu Lâu (Yên Bái) do Công ty Xây dựng số 3 tại Yên Bái thi công. Giữa công trình (khu vực đang san lấp đồi) có một hồ rộng khoảng 100m2. Khi có trời mưa to, mực nước hồ sâu từ 4 – 5m. Nguy hiểm là vậy nhưng xung quanh hồ không hề có biển báo nguy hiểm hay có rào chắn bảo vệ

Bà Lê Thu Lan - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Yên Bái cho hay, tuy không thuộc danh sách 10 tỉnh “trọng điểm” về tai nạn đuối nước, nhưng năm 2009 tỉnh này có 27 trẻ chết đuối (trong đó có vụ chết đuối cùng lúc 5 trẻ), năm 2010 có 24 trẻ chết. Điều đáng nói là số trẻ chết do lũ cuốn, do đi vào các khu công trình đang thi công đã và đang tăng. Hiện 9 ngành trong tỉnh đã ký kết công tác về chống tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó có chống đuối nước.

“Ở nông thôn, chúng tôi cũng chỉ đạo hệ thống phòng LĐTBXH huyện, xã chú trọng công tác tuyên truyền. Những gia đình có ao hồ thì yêu cầu rào lại theo tiêu chí ngôi nhà an toàn”. Tuy nhiên, với các công trình thiếu an toàn, gây tử vong, đuối nước cho trẻ thì theo bà Lan “vẫn chưa có chế tài để xem xét trách nhiệm của chủ công trình”. Đây cũng là “lỗ hổng” trong chính sách phòng chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam.