Dân Việt

Ngư đội Trường Sa kiên quyết bám biển

02/06/2011 06:52 GMT+7
(Dân Việt) - Lãnh đạo Hội Nghề cá và các ngư đội trưởng Trường Sa đều khẳng định kiên quyết bám biển bằng mọi giá.

Thời gian gần đây, phía Trung Quốc thường xuyên tổ chức hàng trăm tàu lớn nhỏ xâm nhập lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của VN để khai thác hải sản, chèn ép, xua đuổi tàu của ngư dân ta… Xin ông cho biết lập trường của Hội về vấn đề này?

- Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá VN: Hội được thành lập để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân. Chúng tôi kịch liệt phản đối những hành động ngang ngược và trắng trợn của phía Trung Quốc xâm phạm lãnh hải VN, đe dọa, cản trở ngư dân VN. Hội kiến nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương cần kịch liệt lên án phía Trung Quốc, đồng thời khẩn trương tổ chức lại sản xuất sao cho ngư dân được an toàn, đặc biệt đang vào mùa vụ cá nam. Về lâu dài, cần đúc rút để nhân rộng mô hình các ngư đội mà tỉnh Khánh Hòa đang thử nghiệm.

img
Ông Võ Thiên Lăng giới thiệu ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung.

Theo tôi, đây là mô hình tốt, cần phát huy và Nhà nước nên hỗ trợ. Việc hỗ trợ ngư dân bám biển không nên chỉ nhìn vào khía cạnh kinh tế thuần túy qua khai thác hải sản, mà đây còn là vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia và nhiều lợi ích kinh tế to lớn, dài lâu khác của đất nước.

Được biết, Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên lập các Ngư đội Trường Sa. Xin ông cho biết về mô hình ngư đội?

- Cuối 2010, Hiệp hội Cá ngừ đại dương Khánh Hòa ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH một thành viên 128 (doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế) của Hải quân. Triển khai hợp đồng, 2 Ngư đội Trường Sa đầu tiên được thành lập, gồm: Ngư đội 1- Trường Sa Lớn và Ngư đội 2 – Song Tử Tây.

Mỗi ngư đội gồm 1 tàu mẹ (Hải Âu 1 và Hải Âu 2) của Công ty 128 và 4 tàu con (là tàu xa bờ 300-400 mã lực) của ngư dân. Ngoài trực tiếp khai thác đánh bắt hải sản, tàu mẹ có nhiệm vụ mua (theo giá đất liền) hải sản và cung ứng dầu mỡ, lương thực, thực phẩm tại ngư trường, cung ứng miễn phí nước ngọt và dịch vụ y tế cho các tàu con.

Sắp tới, mỗi ngư đội sẽ tăng quy mô lên 1 tàu mẹ và 10-20 tàu con, và sẽ thành lập thêm nhiều ngư đội. Các tàu tham gia chương trình này được trang bị miễn phí máy Icom hiện đại (tích hợp định vị vệ tinh GS và GPS) để liên lạc với tàu mẹ và đất liền. Nhờ máy này, tàu mẹ và đất liền luôn biết chính xác hành trình, tọa độ của tàu con, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Hiện đã có hơn 200 tàu xa bờ đăng ký tham gia chương trình.

Hoạt động của các ngư đội ra sao?

- Ông Mai Thành Phúc - Ngư đội trưởng Trường Sa Lớn: Chúng tôi vừa đi vào hoạt động mấy tháng gần đây, đúng thời điểm sóng to, gió lớn và giáp vụ, việc tiếp cận giữa tàu mẹ và tàu con hết sức khó khăn, phía Trung Quốc có nhiều hoạt động quấy rối, lại gặp thời điểm giá dầu mỡ đang cao, nên sản xuất chưa thật hiệu quả.

img Chúng tôi mong sớm được Chính phủ hỗ trợ phần nào. Nếu không được hỗ trợ, vì mưu sinh, chúng tôi vẫn phải ra khơi. Có Hải quân ta sát cánh, chúng tôi thêm yên tâm. img

Ông Mai Thành Phúc

Tuy vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển bằng mọi giá. Đó là ngư trường truyền thống của ta, vùng biển của ta thì chúng tôi cứ đến. Hơn nữa, ngư dân không đi biển, biết lấy gì mưu sinh? Trước mắt, chúng tôi gặp khó khăn, nhưng kiên quyết không rời “trận địa”.

Những thủ đoạn quấy rối phá hoại trên biển của phía Trung Quốc và đối sách của ngư dân ta là gì?

- Ông Trần Văn Đạt - Ngư đội trưởng Song Tử Tây: Họ cho rất nhiều tàu mẹ, tàu con xuống sâu vùng biển của ta ở khu vực khơi Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… thậm chí xuống cả vùng nhà giàn DK1 ở phía nam để đánh bắt, hăm dọa, cản trở tàu cá ta.

Chúng tôi không sợ, cứ thả câu, rải lưới chắn ngang hướng họ di chuyển. Vướng phải ngư cụ của mình thì họ bị thiệt hại. Tất nhiên ta cũng thiệt hại, phải chấp nhận thôi. Tàu của họ to hơn, nhiều hơn tàu ta, nhưng họ bất lợi vì phải đi xa hơn ta nhiều lần.

Nếu ta cũng có tàu to và nhiều tàu như họ, thế và lực của ta trên biển sẽ mạnh hơn. Vùng biển tình hình căng thẳng nhất là cách bờ ta chừng 150 hải lý, nơi tàu ta tập trung đánh bắt và tàu Trung Quốc tập trung quấy phá. Xác định tự mình ráng sức là chính, nhưng chúng tôi cũng mong Nhà nuớc hỗ trợ phần nào, để sản xuất hiệu quả và đấu tranh với các hành vi sai phạm của phía Trung Quốc.