Dân Việt

Nếu sợ tàu Trung Quốc, chúng tôi bỏ nghề rồi...

02/06/2011 08:20 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là lời khẳng định của các ngư dân và chủ tàu cá ở Quảng Ngãi đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc bắt giữ, trấn cướp, giam cầm khi họ đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa.

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (xã An Hải, Lý Sơn):

Sau 4 lần bị phía Trung Quốc bắt giam trái phép, đánh đập và tịch thu toàn bộ phương tiện, ngư lưới cụ, gia đình tôi đang lâm nợ nửa tỷ đồng và không biết đến bao giờ mới trả được. Cuộc sống của gia đình hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như một ngày nào đó sắm lại được tàu, thì vùng biển Hoàng Sa vẫn cứ là ngư trường mà tôi chọn. Tôi mong Nhà nước giúp đỡ tôi phần nào để trở lại với Hoàng Sa mà tôi hằng gắn bó hàng chục năm qua.

Thuyền trưởng Lê Vinh (xã An Vĩnh, Lý Sơn):

Đâu phải đến bây giờ phía Trung Quốc mới bắt giữ, đánh đập và tịch thu ngư cụ, phương tiện của ngư dân khi ra đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa. Việc này diễn ra lâu nay. Nếu sợ thì ngư dân Lý Sơn đã bỏ nghề biển hết từ lâu rồi. Hôm 9.5.2011, khi đang đánh bắt tại đảo Xà Cừ (Hoàng Sa, Việt Nam), tàu của tôi và 10 ngư dân cùng đi đã bị tàu Trung Quốc đến khống chế thu máy định vị, Icom, dầu, máy dò… với tổng trị giá khoảng 160 triệu đồng. Chúng tôi còn ra khơi được thì vẫn sẽ đến Hoàng Sa đánh bắt.

Ngư dân Phạm Hà (xã Bình Châu, Bình Sơn):

Tôi không sợ đối mặt với tàu chiến và tàu cá Trung Quốc trên hải phận nước mình. Tôi chỉ lo bị tịch thu tàu bè, ngư cụ sẽ mất phương tiện để làm ăn. Tôi rất mong các cấp ngành của tỉnh và T.Ư hỗ trợ, giúp đỡ khi chúng tôi gặp rủi ro. Nếu được như vậy thì ngư dân sẽ vững vàng và yên tâm bám biển hơn.

Ngư dân Tiêu Viết Là (xã Bình Châu, Bình Sơn):

Ngư dân chúng tôi ý thức rằng, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam nên khẳng định chủ quyền biển đảo nước mình, chúng tôi ra đó đánh bắt. Tuy nhiên, ra Hoàng Sa, ngư dân chúng tôi liên tục bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tài sản. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chế độ, chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ. Làm như vậy để tạo điều kiện cho ngư dân có vốn để tái sản xuất, đồng thời cũng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.