Mong đợi những liên hoan
Có thể quyết định mới trong phương hướng hoạt động của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có thể sẽ gây ngạc nhiên cho các thành viên của một tổ chức hội gồm hầu hết là dân chuyên nghiệp. Theo NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội, chủ trương này đã được thể hiện trong phương hướng hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2014-2019 và được thông qua trong đại hội.
NSND Lê Tiến Thọ cho biết, trước hết Hội sẽ cụ thể hóa chủ trương của mình bằng các liên hoan, hội diễn sân khấu quần chúng, từ tuồng, chèo đến cải lương, bài chòi, sân khấu dù kê Khmer… Lực lượng nghệ sĩ, diễn viên quần chúng tham gia sinh hoạt, lưu giữ các bộ môn sân khấu này rất đông, đặc biệt là ở những vùng quê có truyền thống sân khấu. Hiện nay thông báo ban đầu về liên hoan sân khấu tuồng chuyên và không chuyên toàn quốc với các kịch bản của tác giả Tống Phước Phổ đã được phát đi và được hưởng ứng. Đã có 6 đoàn chuyên nghiệp và 15 đoàn không chuyên đăng ký tham dự. Dĩ nhiên, khi diễn ra liên hoan vào tháng 9 năm nay, sẽ có 2 khung giải cho 2 đối tượng trên để đảm bảo công bằng. Nhạc sĩ Đức Tý – Trưởng đoàn tuồng thôn Phú Mẫn (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) phấn khởi cho biết, đoàn của ông đang “ráo riết” luyện tập để chờ ngay góp mặt với liên hoan này.
Và ngóng cả cơ chế
Đoàn tuồng Phú Mẫn là một đơn vị biểu diễn có tính chất xã hội hóa hiếm hoi ở cấp… thôn. Ngoài tình yêu tuồng say đắm của đông đảo người dân sở tại, các cán bộ cơ sở cũng rất quan tâm, tạo điều kiện biểu diễn, vận động nhân dân giúp đỡ, và năm ngoái đã dành hẳn một căn phòng trong hệ thống thiết chế văn hóa của thôn cho đoàn tuồng làm phòng truyền thống và trụ sở hội họp, tập luyện. Nhạc sĩ Đức Tý cho hay, cả đoàn có hơn 30 người gồm cả đội đào, kép và đội nhạc với đầy đủ các trang phục, nhạc cụ. Mỗi năm dựng xong vở hoặc trích đoạn tiết mục, địa phương đều giúp dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng, còn nhân dân đến xem rất đông, hoan hô và... tặng tiền cũng sôi nổi.
Tất nhiên, trong đời sống sân khấu không chuyên hiện nay, được như đoàn tuồng này cũng không phải là phổ biến. Mà nhìn chung, các “nghệ sĩ làng” còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị, đạo cụ và gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức dàn dựng, trình diễn, cũng như nguồn hỗ trợ kinh phí để bồi dưỡng phần nào cho diễn viên, nhạc công. Thời gian qua, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội có sự xuất hiện trở lại rất đáng chú ý của phường rối nước sở tại. Phường rối lấy lực lượng từ đội văn nghệ chùa Thầy và được chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ. Nhưng như những chia sẻ của các thành viên và NSƯT Chu Lượng– người truyền nghề đã tặng phường hẳn một gánh rối, thì phải có sự giúp sức nhiệt tình lắm của Thượng tọa Thích Trường Xuân – trụ trì chùa Long Đẩu (trong quần thể thắng tích chùa Thầy), thì việc luyện tập, biểu diễn mới thuận lợi.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, kiến tạo các cuộc chơi sân khấu cho quần chúng, Hội chỉ có thể đề xướng, kêu gọi, còn đương nhiên, tài trợ đi lại, ăn nghỉ, bồi dưỡng phải có chính quyền, ngành văn hóa các tỉnh thành và các cá nhân, tập thể khác. Nhìn rộng hơn, phong trào sân khấu quần chúng mặc dù đã có nhiều cơ quan chăm lo như Cục Văn hóa cơ sở, các Sở VHTTDL, phòng VHTT, các trung tâm văn hóa, nhưng vẫn chưa được rộng khắp và thường xuyên.
Ông Thọ cho rằng, cần có quy hoạch riêng cho sân khấu không chuyên; tăng chi phí hỗ trợ các CLB sân khấu và liên hoan sân khấu không chuyên; cũng rất cần lưu tâm phát triển phong trào sân khấu học đường và liên hoan của các trường phổ thông… Giúp cho các nghệ sĩ làng “khỏe” hơn để tuyên truyền, xây dựng đời sống bằng nghệ thuật, thu hút giới trẻ đến với nghệ thuật dân tộc, cái đó hiệu quả hơn nhiều những lời nói, những khẩu hiệu và những kỳ cuộc tuyên truyền, thậm chí truyền hình trực tiếp rầm rộ.