Chị Hồng vui mừng vì sắp trở thành “tỉ phú ve chai” Ảnh: LÊ PHONG
Cũng theo luật sư Thảo, Công an quận Tân Bình là nơi đang tiếp nhận và tạm giữ khoản tiền trên, nay hết thời hạn theo quy định của pháp luật thì nên lập biên bản giao trả lại tài sản mà bên đã phát hiện giao nộp trước đó. Như vậy, về mặt pháp luật, Công an quận Tân Bình đã làm đúng vai trò, trách nhiệm. Còn sau đó nếu xảy ra tranh chấp với bên thứ ba thì để các bên tự giải quyết bằng một vụ án dân sự do tòa án có thẩm quyền thụ lý.
Đồng ý kiến, luật sư Hà Hải, người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chị Hồng, nói: “Cách thức để nhận tiền rất đơn giản, công an đưa cho chị Hồng là xong. Còn đổi tiền ở đâu, dùng làm gì là việc của chị ấy”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Trí, Chánh án TAND quận Tân Bình, cho rằng việc trả lại tài sản cho chị Hồng, công an có thể nhờ các cơ quan chức năng như tòa án, VKSND, tư pháp hỗ trợ... hướng dẫn cách thức, quy trình bàn giao. “Từ trước đến nay, tôi chưa hề nghe nói đến hội đồng tư vấn về việc trả lại tài sản tạm giữ cho người dân” - ông Trí khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Thị Ngọt (người tự nhận 5 triệu Yên là của chồng mình) cho biết ngay từ đầu đã biết không thể lấy được số tiền trên nhưng vẫn cố tìm bằng chứng vì không muốn bị nói nhận bừa. “Tiền của mình mất, phải lên tiếng, nếu im ru thì sẽ cảm thấy khó chịu” - bà Ngọt trần tình. Bà Ngọt cũng tâm sự có một khoảng thời gian mệt mỏi trước sức ép của dư luận, nay sẽ chấp nhận quyết định của Công an quận Tân Bình, không làm đơn khiếu nại.
“Gia đình, bạn bè khuyên tôi nên thôi. Đại khái, người ta (chị Hồng - PV) muốn có tiền thì cho đi để mình nhẹ đầu. Nếu mình tiếp tục sẽ rất mệt mỏi, mà tôi còn phải lo làm ăn nên không có thời gian” - bà Ngọt giãi bày.
Chia sẻ về cuộc sống tương lai, bà Ngọt cho biết vẫn kiếm sống từ việc gia công quần áo, làm lông mi giả. Hiện chồng bà đang điều trị bệnh ở Nam Phi nên khó có khả năng 2 người sớm được gặp mặt.