Tôi gặp em Nguyễn Văn Linh trong buổi hòa nhạc kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít do Đại sứ quán Nga tại Việt Nam tổ chức. Ban nhạc “Hy vọng” của các cháu khiếm thị mà Linh là người thổi sáo được mời đến biểu diễn. Trong khán phòng lộng lẫy, giữa những vị khách châu Âu, trông Linh với cây sáo trong tay mảnh dẻ như một cây phong non. Rồi từ cây sáo vang lên giai điệu ngọt ngào ấm áp khiến các bạn nước ngoài thán phục. Phía xa là một người đàn ông dáng người nhỏ bé với nước da đen sạm ngồi đăm chiêu, đó là anh Nguyễn Văn Hạnh - bố Linh đi theo để giúp đỡ.
"Cơ duyên" âm nhạc của chàng trai khiếm thị
Ở Thanh Hóa, gia đình anh Hạnh làm nông, nhà có 2 con trai, cháu đầu là Nguyễn Văn Tùng (SN 1989) và cháu thứ 2 là Nguyễn Văn Linh (SN 1990). Linh từ lúc mới sinh ra đã bị khiếm thị. Năm 2002, Linh xin vào học văn hóa ở Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ở đây cháu được học văn hóa và tham gia chơi sáo trúc cùng đội văn nghệ của trường. Khả năng âm nhạc của Linh tiến bộ khá nhanh. Năm 2009, Linh thi đỗ khoa nhạc cụ truyền thống - bộ môn sáo trúc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Từ đây Linh chuyển sang sống và học âm nhạc tại nhạc viện, đồng thời vẫn tiếp tục đi học văn hóa. Rồi Linh được mời tham gia trong ban nhạc “Hy vọng” (dành cho học sinh khiếm thị) của thầy Tôn Thất Triêm.
Không may, một tai họa lại tiếp tục xảy ra với Linh và cả gia đình. Cách đây 3 năm (2012), Linh bị suy thận và thường xuyên phải vào bệnh viện để chạy thận. Do đó, từ 3 năm nay anh Nguyễn Văn Hạnh phải ra ở hẳn ngoài Hà Nội để giúp con đi học, đi chạy thận. Cũng may nhà trường cho bố ở chung cùng con trong ký túc xá để thuận tiện chăm sóc, bảo hiểm cũng chi trả cho Linh tiền chạy thận, anh Hạnh chỉ phải lo tiền ăn, tiền thuốc cho con.
Mỗi bữa chỉ ăn 1 bánh mì và 1 cốc nước... dành tiền mua thuốc
Anh Hạnh cho biết: “Mỗi tháng tôi phải kiếm cho được 7 triệu đồng. 2 triệu tiền ăn thức uống cho 2 bố con (cháu ăn theo chế độ ăn kiêng) và khoảng 5 triệu đồng là tiền lo thuốc chữa bệnh cho cháu”.
Cháu thì ăn luôn trong bếp của trường. Tôi có nói với nhà bếp xin cho cháu suất ăn kiêng (không mỡ, không mặn), còn tôi thì tiện đâu ăn đấy. Mỗi bữa tôi làm một cái bánh mì, một cốc nước là xong vì còn phải tiết kiện tiền cho cháu chữa bệnh. Ông già bán nước ở cửa nhạc viện biết hoàn cảnh cứ hay động viên, giục tôi phải ăn cho nhiều hơn nếu gục xuống bây giờ thì lấy ai chăm con. Biết vậy nhưng tôi còn cách nào, chỉ biết thầm cảm ơn vì không thể tiêu xài quá tầm tiền mình kiếm ra.
Tôi cũng thấy bình thường vì quen rồi. Chỉ lo nhất khi Linh hết thuốc vật vã giãy giụa, tôi phải cấp tốc đi ngay đến bệnh viên lấy thuốc, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng của cháu.
Anh Hạnh kể: “Hồi mới ra Hà Nội, do chưa biết đường, để có tiền tôi phải đi nhặt ve chai và nhặt rác. Một thời gian quen dần, tôi chuyển sang làm xe ôm ngay trước cửa nhạc viện. Ngày mới đi làm tôi cũng bị cánh bảo kê bắt nạt đòi ăn chặn nhiều lần. Nhưng rồi có nhiều người tốt bụng, biết hoàn cảnh của tôi đã can thiệp nên cánh bảo kê cũng thôi. Hiện tại một tháng tiền xe ôm của tôi cũng chỉ kiếm được khoảng 3 triệu đồng, còn lại 4 triệu thì trông cả vào hậu phương trong quê gửi ra”.
Vợ anh Hạnh ở nhà nuôi lợn, cấy mấy sào thóc. Người con lớn của anh chị bây giờ cũng về quê để đỡ đần cho mẹ và đi làm kiếm tiền gửi ra cho bố. Tuy nhiên, hiện tại gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Hạnh vẫn đang trong cảnh rất khó khăn, rất cần có những tấm lòng nhân ái, sẻ chia dành cho em Nguyễn Văn Linh - chàng trai khiếm thị để giúp em có thêm nghị lực chắp cánh ước mơ.
Trong căn phòng nhỏ ở ký túc xá, cháu Linh, với gương mặt trầm lặng kể cho tôi nghe những hoài bão của cháu về âm nhạc từ ngày còn thơ. Cháu hy vọng sẽ có một công việc sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Việt Nam để đỡ đần cho cha mẹ.
Xin chúc cháu may mắn, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện được ước mơ của mình.