Theo Mark Griffiths, cuốn sách có niên đại 400 năm tuổi của John Gerard có bức chân dung duy nhất vẽ Shakespeare khi ông còn sống.
Nhà thực vật học kiêm sử gia Mark Griffiths đã giải mã được mật mã phức tạp trên bìa cuốn sách "The Herball or Generall Historie of Plantes”, được trang trí bằng hình ảnh bức trạm khắc có từ thế kỷ 16 của nhà thần học William Rogers, trong đó gồm 4 biểu tượng tượng hình.
Sử gia Griffiths phát hiện ra chân dung của nhiều người nổi tiếng được tượng trưng bởi các biểu tượng tượng hình. Trong số 4 biểu tượng, có một biểu tượng được giải mã là chân dung của Shakespeare.
Theo như bức hình, đại thi hào là một anh chàng đẹp trai như tài tử điện ảnh, đang đội một vòng hoa nguyệt quế trên đầu, mặc trang phục áo dài của người La Mã xưa, có râu và ria mép, một tay giữ một trái bắp. Bức chân dung được cho là hình ảnh của nhà văn lúc 33 tuổi, thời điểm ông viết tác phẩm “Giấc mộng đêm hè” (A Midsummer Night's Dream) và sắp sửa viết “Hamlet”.
Griffths đã có phát hiện đắt giá kể trên khi nghiên cứu tiểu sử của nhà sinh vật học nổi tiếng John Gerard (1545-1612), tác giả của cuốn sách "The Herball or Generall Historie of Plantes”, dày 1.484 trang, xuất bản năm 1598.
Griffiths nói: “Tôi có ấn tượng khi nhìn vào các hình vẽ ở trang đầu và thấy một nhân vật ăn mặc giống người La Mã, dường như liên quan tới thi ca”. Ông phát hiện một số dòng chữ ghi dưới bức tranh, chứa thông tin về con người này. Sau khi tìm hiểu kỹ, ông tin rằng đó chính là William Shakespeare.
Công trình khám phá của Griffiths được đăng tải trên tuần san Country Life của Anh. Mark Hedges, chủ biên của tuần san mô tả sự phát hiện của Griffiths là "phát hiện văn học của thế kỷ”. Hedges nói: "Đây là bức chân dung mới nhất của nhà văn vĩ đại nhất của thế giới được xác nhận và xuất hiện vào thời điểm mà Shakespeare đang còn sống”.
Trong lịch sử nghiên cứu, chỉ có 2 tác phẩm vẽ chân dung được cho là giống Shakespeare nhất là bức tranh khắc in ở trang bìa các vở kịch của Shakespeare do nhà xuất bản Folio in năm 1623. Ngoài ra, còn có bức tượng bán thân tại ngôi mộ ông ở Nhà thờ Holy Trinity, Stratford-upon-Avon, Anh. Nhưng cả 2 bức chân dung đều được sáng tác khi nhà văn đã qua đời.
Tuyên bố của Griffiths, với số lượng đáng kể các bằng chứng thuyết phục được khá nhiều người tin tưởng. “Bức chân dung nào là thật, được vẽ khi Shakespeare còn sống?” là câu hỏi gây tranh cãi từ nhiều thế kỷ bởi các nhà khảo cổ và chuyên gia mỹ thuật và đây không phải là lần đầu tiên có người nhận đã phát hiện chân dung Shakespeare.
Năm 2009, bức tranh có tên gọi "chân dung Cobbe” cũng được đồn đoán là đã phác thảo chính xác chân dung của Shakespeare, và được trưng bày ở Stratford-upon-Avon. Quỹ Shakespeare Birthplace Trust, nơi thúc đẩy nghiên cứu về nhà văn, nói đây là chân dung thực, nhưng một số người không tin.