Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên là tác giả của bài hát dành cho thiếu nhi có các câu trở thành “cửa miệng”: Hổng dám đâu, em còn phải học bài… Với một nhạc sĩ, có một bài hát như Hổng dám đâu cũng đủ để “vinh dự tự hào”, nhưng Nguyễn Văn Hiên còn nhiều điều… ít được biết đến!
NXB Tổng hợp Đà Nẵng và nhà sách Hồng Ân vừa ấn hành Tuyển tập nhạc thiếu nhi Nguyễn Văn Hiên phát hành nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 năm 2015. Lâu nay, nhiều người than phiền nhạc cho thiếu nhi do các nhạc sĩ trong nước sáng tác quá ít; hóa ra không phải vậy vì trong tập nhạc này, Nguyễn Văn Hiên có gần 150 bài hát dành cho các cháu.
“Hổng dám đâu” và còn nhiều hơn nữa
Năm 2000, Trung ương Đoàn tổ chức bình chọn các ca khúc dành cho thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20. Ca khúc Hổng dám đâu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên lọt vào Top 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 trong cuộc bình chọn này. Bài hát Hổng dám đâu hay vì bởi nó gần gũi với thiếu nhi, đến độ trở thành câu cửa miệng: “Hổng dám đâu, em còn phải học bài…” không chỉ của thiếu nhi mà cả người lớn.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên sinh ngày 6.3.1953 tại tỉnh Bình Định. Ngoài chức danh Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM hiện nay, ít người biết ông có nhiều năm công tác ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và từng là đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Tại sao nhạc sĩ lại công tác ở ĐH Kinh tế TP.HCM, nghe chẳng liên quan gì đến nghệ thuật?! Hỏi ra mới biết, Nguyễn Văn Hiên tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM từ năm 1977 và ông được giữ lại trường làm việc cho đến ngày nghỉ hưu.
Ông là thành viên trong nhóm nhạc sĩ “Những người bạn” lừng danh một thời, gồm 7 người : Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy và Nguyễn Văn Hiên. Chính nhóm nhạc “Những người bạn” đã tạo động lực cho các nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc hay đến nay vẫn còn in sâu trong trí nhớ người nghe. Nhóm “Những người bạn” xuất xứ từ CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn TP.HCM dưới sự quan tâm, nâng đỡ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Nhớ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, kể: “Hôm ra mắt CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn vào ngày 29.4.1982, chú Sáu Dân lúc đó đang làm Bí thư Thành ủy TP.HCM đến dự. Tôi nhớ chú Sáu đã dặn dò và gửi gắm rất nhiều tin yêu vào thế hệ văn nghệ sĩ lớn lên sau năm 1975. Trong đó, chú Sáu đã kỳ vọng vào một nền văn nghệ mới do thế hệ trẻ chúng tôi sáng tạo nên.
Sau buổi gặp mặt ra mắt CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn, chú Sáu đã trao tặng món tiền 10.000 đồng để làm quỹ sinh hoạt, 10.000 đồng năm 1982 là số tiền rất lớn đủ để CLB sinh hoạt trong một thời gian dài. Điều này chứng tỏ chú Sáu rất quan tâm đến sáng tác trẻ ở một thành phố năng động nhất nước dù thời điểm đó vẫn còn nhiều khó khăn sau khi chiến tranh”.
Nhạc sĩ nói thêm: “Văn hóa văn nghệ có phát triển được đúng tầm hay không đều cần phải có là sự quan tâm từ những hành động thiết thực như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với văn nghệ sĩ. Tôi và các anh em sáng tác được đến bây giờ khi thấy được những điều mình làm góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước”.
Nhà báo “Thiên Hằng” phổ nhạc tiểu thuyết
Nói về mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên “tự giới thiệu” đầy hoạt náo: “Tôi có nghề tay trái là người dẫn chương trình (MC), đã dẫn chương trình cho một số tụ điểm ca nhạc ở TP.HCM. Tôi được nhiều người biết khi làm MC cho chương trình Nhịp cầu âm nhạc những buổi đầu phát sóng trên Đài Truyền hình TP.HCM. Tôi thích sáng tác và làm MC”.
Ít người biết Nguyễn Văn Hiên là người tài hoa trong lĩnh vực âm nhạc khi ông phổ tiểu thuyết thành ca khúc, trong đó có tiểu thuyết Ngọc trong đá của nhà văn Nguyễn Đông Thức và Tình nhỏ làm sao quên của Đoàn Thạch Biền. Ông còn viết rất nhiều bài báo với bút danh Thiên Hằng.
Bút danh này nghe như tên con gái, nhưng khi khi hỏi sao ký tên “kỳ vậy” thì nhạc sĩ trả lời: Thiên Hằng nói lái thành… thằng Hiên. À, hóa ra ông nhạc sĩ này còn có thêm tài lẻ là nói lái, kiểu gì Nguyễn Văn Hiên cũng nói lái được khi ngồi cùng bàn với ông mới chứng kiến hết.