Một ngày tháng 6.2011 đầu mùa biển động, tôi có may mắn được ra Trường Sa cùng những ngư dân Phú Yên trên tàu câu PY90479 TS của thuyền trưởng Phan Văn Giành. Có đi mới thấy, cá ở đây phải đổi bằng máu và nước mắt.
Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ở vùng biển Bắc Trường Sa. |
Tiếng máy bay trong đêm
Đã hai tháng rồi mà tôi vẫn nhớ cái rùng mình ớn lạnh trong đêm 26.6 trên vùng biển Bắc Trường Sa, khi nghe tiếng máy bay quần thảo trên đầu.
Đêm cuối tháng không trăng, gần 8 giờ tối màn đêm đen kịt, 6 chiếc thúng câu mực làm mồi câu cá xuống biển hơn một giờ trước đang lênh đênh trên sóng, cách thuyền mẹ đến 5-6 cây số. Trên tàu còn thuyền trưởng Giành, 3 thuyền viên và tôi, ra khoang tàu dõi theo những ánh đèn trên thúng câu. Tiếng phành phạch của chiếc máy bay đến rất nhanh, rồi ánh đèn đỏ cùng cái bóng đen như ma lù lù hiện ra trên đầu.
Cái “bóng ma” ấy quần trên đầu chúng tôi 3 vòng liền, mỗi vòng lại siết chặt lại có lúc chỉ cách chúng tôi chừng 100m. Chúng tôi bàn nhau, hay tắt đèn trên tàu, rồi lại thôi, anh em dưới thúng trông về ánh đèn của tàu mẹ mà yên tâm, tắt đèn đi sao được.
Cái “bóng ma” ấy qua đi nhưng nỗi sợ về nó thì để lại, không ai nói ra nhưng đều như thắc thỏm, sau nó sẽ là cái gì? Một chiếc tàu chiến, chiếc ca nô vũ trang, hay bất kỳ cái gì đó… với những người trên tàu đều liên quan trực tiếp đến mạng sống.
Không nói với ai, tôi lặng lẽ vào khoang tàu tháo chiếc thẻ nhớ của máy ảnh bọc vào túi nylon, gài vào một khe gỗ trong góc khuất trên tàu. Trong thẻ có hơn 2 nghìn bức ảnh của chuyến đi, máy tính, máy ảnh chắc không giữ nổi nhưng cái thẻ ấy cố giữ. Thật may tình huống xấu ấy đã không xảy ra, hơn 10 giờ đêm tàu chúng tôi nổ máy đón thúng câu mực, câu đầu tiên gặp nhau là hỏi về cái… bóng ma trên trời.
Trong chuyến đi đây là lần thứ hai tàu chúng tôi gặp máy bay lạ quần đảo, lần đầu trước đó 11 ngày ở phía Nam Trường Sa, hôm đó ban ngày, dù sao giữa thanh thiên bạch nhật cũng thấy… đàng hoàng hơn. Anh em trên tàu kể, nhiều lần trong đêm bị tàu nước ngoài áp sát, chiếu đèn pha sáng rực, quần đi quần lại, thuyền trưởng Phan Văn Giành bảo: “Lần đầu cũng sợ, riết rồi quen, kệ nó”.
Nói là kệ nhưng thực ra sao mà quên cho được, nhất là thỉnh thoảng lại có tàu cá bị “tàu lạ” đâm chìm. Ngư dân Quảng Ngãi ra Hoàng Sa đánh bắt cá còn khổ hơn nhiều, anh Lê Bốn ngư dân ở đảo Lý Sơn bảo “đêm phải lựa, lách tàu vào lạch nước cạn để đậu, tránh bị tàu nước ngoài đâm”. Ở ngư trường Hoàng Sa giờ thêm cái nạn tàu cá nước ngoài cậy to, lên tàu ta cướp cá. Gần đây, tháng 4.2011, tàu QNg 66101 TS của anh Lê Văn Lớn (45 tuổi) ở xã An Vĩnh huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, bị cướp 3 tấn cá. Cả tuần câu của 10 anh em thành công cốc, giữa biển khơi đành tự an ủi nhau “may không bị đánh”.
Bàn tay và niềm tin Bà, Cậu
Tôi chưa gặp cái nghề nào có những vết chai kỳ lạ như những bàn tay của người làm nghề câu nơi đây. Sợi dây câu theo năm tháng, miết mãi thành những vệt chai dày cộp như lớp bánh đa dày, bám suốt lòng bàn tay, kín cả các ngón tay. Lúc thường cầm bàn tay ấy thấy gai gai vì chai cứng, sau giờ kéo câu, chai bợt ra cầm vào thấy mềm mủn, sũng nước, cũng gai gai, theo một kiểu khác… nhoi nhói trong lòng.
Chuyến đi 29 ngày tôi chứng kiến sự kiên nhẫn đến kỳ lạ của anh em ngư dân. Suốt 13 ngày trong dông gió tơi bời mà không câu được con cá nào. Nhiều lúc nhìn anh em vật lộn trong sóng gió mà tôi tự hỏi: “Không lẽ kiếm con cá lại khó khăn đến vậy ư, làm sống được trên biển lại khốn khổ đến vậy sao?”. Một điều thật lạ nữa trong gian khó và rủi ro đến tận cùng ấy tuyệt không thấy anh em thuyền viên cãi lộn hay vặc nhau. Anh Giành bảo: “Có gian khổ Bà, Cậu mới thương mà cho”.
Cái tín ngưỡng này ở giữa biển trời bao la càng làm tôi tín và tin về chủ quyền. Và ngư dân thì càng tin điều đó, vì chỉ có ở đất mẹ của mình, họ mới có thể kêu cầu mẹ phù hộ. Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng chung của người Việt khắp cả nước nhưng ở miền Trung nói chung với ngư dân nói riêng thiêng liêng gấp bội lần. Bà (Mẫu) cùng Cậu (Con trai Mẫu) cai quản sông nước, biển khơi, ban miếng ăn cho ngư dân. Bà, Cậu không chỉ “cho” mà còn “phạt”, bởi thế ngư dân tâm niệm sống lành, sống tử tế để Bà, Cậu thương.
Máy bay lạ quần đảo bầu trời. |
Trên biển hoạn nạn không được bỏ nhau - điều ấy những thiếu niên chưa bước chân xuống tàu cũng biết. Đợt đầu năm 2009 anh em trên tàu gặp 4 ngư dân Philippines gặp nạn trên biển, mấy ngày không có gì ăn, xanh rớt như tàu lá, anh em trong đoàn cứu lên nấu cháo đổ để phục, rồi bỏ chuyến câu đưa về bờ, để anh em ngư dân bạn sớm được về nước đoàn tụ cùng gia đình.
Người ta cũng tin rằng sống tử tế, nếu có gặp nạn sẽ có Ông cứu (cá voi lưng xám). Chuyện Ông cứu người tôi chưa được nhìn thấy nhưng cá heo (loài cá trong họ cá Ông) vây quanh tàu nhảy lên như báo cho ngư dân trước khi biển động thì tôi đã gặp.
Ngày 16.6 trong chuyến đi, chụp được ảnh xong, mở Icom chỉ ít phút sau thấy đài báo có áp thấp nhiệt đới. Vậy là những chú cá đã báo cho ngư dân biết hiểm nguy. Những niềm tin rất lành ấy giúp ngư dân tĩnh tâm trong sóng gió.
Người ta coi ra biển như về với Mẹ, ngư dân miền Trung thuở xưa ra biển trong nhưng chuyến đi dài đến Hoàng Sa, Trường Sa mang theo manh chiếu, sợi dây mây để sẵn sàng nằm lại vĩnh viễn trên biển như nằm lại ở quê nhà trên đất liền vậy. Chính niềm tin ấy giúp ngư dân Việt tự bao đời vượt qua sóng gió làm chủ Biển Đông.
Chuyến đi của tôi cùng tàu PY90479 TS lênh đênh trên biển 29 ngày, câu được 27 chú cá ngừ, chịu mấy chục trận dông, 2 trận bão, hơn 20 lần tàu hỏng máy. Mỗi người được chia hơn triệu đồng, không ai ca thán, vẫn vui vẻ chuẩn bị cho chuyến đi mới chỉ sau đó 4 ngày. Anh Giành bảo lại gấp gáp chuẩn bị ra khơi chuyến cuối của mùa câu, cố gắng rồi Bà, Cậu sẽ thương. Tôi cũng tin như anh, chắc chắn phải là thế, bởi niềm tin ấy đã được kiểm chứng bao đời trong chặng đường chinh phục biển khơi của ngư dân Việt.
Xuân Trường