Dân Việt

Nhờ “tám” bớt bệnh!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng 25/05/2015 08:05 GMT+7
Stress là đòn bẩy của nhiều bệnh chứng nghiêm trọng, từ đau đầu kinh niên bước qua suy nhược thần kinh cho đến cao huyết áp. Nạn nhân của stress khó tránh nhiều hậu quả thuộc nhóm “rối loạn”, như rối loạn huyết áp, nhịp tim, tiêu hóa, biến dưỡng, tiền đình, sinh dục… 

Biết là có bệnh có thuốc nhưng trên thực tế lại không hề dễ dàng. Chuyên gia về stress trên khắp thế giới đã xoay trở đủ kiểu nhưng vẫn chưa có giải pháp nào đáng điểm 6/10 trong kỳ thi về phương tiện chống stress.

img
Giải lao giữa giờ có tác dụng giảm stress.
Giáo sư Davis Wartburton ở Đại học London, chuyên gia về các loại thuốc ảnh hưởng trên tâm lý, đã công bố một kết quả gây nhiều ngạc nhiên lẫn hứng thú trong ngành y. Đó là tác dụng hóa giải stress của giờ giải lao, kiểu nào không quá quan trọng, miễn là người nghỉ giữa giờ có cơ hội “ngồi lê đôi mách” chuyện tầm phào vô bổ bên tách trà, miếng bánh ngọt.

Dữ liệu thống kê của Wartburton đã được đúc kết từ công trình nghiên cứu với hơn 50.000 đối tượng từ nhiều công ty, cơ xưởng ở 16 nước châu Âu.

Để giải thích cho tác dụng tuyệt vời của giờ giải lao, nghĩa là phải làm sao giải trí thay vì tiếp tục lao động, Wartburton cũng đã xác minh là không chỉ huyết áp mà ngay cả chức năng tư duy của nhóm có dịp “bà tám” giữa giờ cũng được cải thiện thấy rõ nếu so với nhóm không được nghỉ, hay tuy có nghỉ nhưng không được tán gẫu chuyện thiên hạ. Rõ hơn nữa là số ngày nghỉ việc trong năm vì bệnh của nhóm “bà tám” chỉ bằng 1/3 số ngày vắng mặt của nhóm đối chứng không có giờ nói chuyện trời trăng mây nước.

Cũng theo Wartburton, tiêu chí đơn giản để nhận ra mình đã nằm gọn trong tầm ngắm của stress chính là cảm giác mỏi sau gáy trong lúc làm việc. Khi đó đối tượng nên mạnh dạn bước vào giờ giải lao dù trọng tài chưa thổi còi hết hiệp.

Nói qua cũng phải nói lại mới công bằng. “Tám” quá nhiều, quá thường cũng có phản ứng phụ, có khi nghiêm trọng không ngờ, chẳng hạn chấn thương sọ não vì ăn nói mất lòng người nghe.