Dân Việt

Liên kết vùng để tránh dội chợ

Thuận Hải (thực hiện) 23/05/2015 08:55 GMT+7
Đó là nhận định của PGS - TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt về hướng phát triển trồng trọt ở Đông Nam Bộ (ĐNB). Nếu vùng này có liên kết với vùng ĐBSCL để sản xuất lệch vụ thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn.

Ông đánh giá thế nào về các loại cây trồng vùng ĐNB?

- Cao su, cà phê, tiêu, điều… là những cây công nghiệp chính của vùng. Hiện nay, ĐNB đã xuất hiện nhiều mô hình trồng tiêu bền vững với các phương pháp canh tác tiến bộ như đào sâu gốc để thả tiêu giống, bón nhiều phân hữu cơ… Mặc dầu vậy, vẫn còn một số hộ chạy theo lợi nhuận, phát triển vườn tiêu ồ ạt, đi kèm theo đó là những rủi ro về dịch bệnh… Còn cây điều có nhiều vườn cây già cỗi. Các tỉnh đã có chương trình ghép gốc điều giúp cải tạo vườn, cải thiện năng suất nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, ĐNB còn có diện tích lớn cây ăn trái như xoài, sầu riêng, chôm chôm… với phẩm chất trái khá ngon.

img
Thu hoạch mủ cao su ở Bình Phước.  Ảnh:  Thuận Hải

So với ĐBSCL, sản xuất cây ăn trái ở ĐNB có thuận lợi hơn không, thưa ông?

- Ở ĐBSCL, việc canh tác có phần dễ dàng hơn vùng ĐNB, bên cạnh đất đai phì nhiêu, còn có nguồn nước dồi dào, nông dân ĐBSCL cũng đã áp dụng được nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, bà con ĐBSCL đã rất thuần thục trong việc rải vụ các loại cây ăn trái để không trùng lặp mùa vụ, hạn chế tình trạng “dội chợ” do sản xuất đồng loạt.

Trong khi đó, vùng ĐNB do thiếu nước nên không thể rải vụ, chỉ có thể ép cây ra hoa trái vụ đối với cây xoài, còn chôm chôm, sầu riêng… thì vẫn phụ thuộc nước trời, mùa vụ chủ yếu tập trung vào mùa mưa. Do đó, giữa ĐBSCL và ĐNB nên kết hợp để phân bổ mùa vụ cho hợp lý. Vì có thể chủ động được mùa vụ, ĐBSCL nên tránh thời điểm chính vụ của cây ăn trái vùng ĐNB. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng dội chợ do thu hoạch cùng thời điểm.

Rất nhiều nhà vườn đã khoan giếng sâu để lấy nước tưới. Liệu việc này có tác động đến sản xuất nông nghiệp?

- Việc đào giếng khoan với mật độ dày đặc sẽ ảnh hưởng tới mạch nước ngầm trong tương lai. Phải hiểu rằng, diện tích rừng bao phủ ở các địa phương hiện nay không còn nhiều, mà mạch nước ngầm khi không có rừng che phủ sẽ không được bổ sung thường xuyên. Do đó, khi đào giếng lấy nước, mực nước tích tụ trong lòng đất sẽ sụt rất nhanh.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành trồng trọt vùng ĐNB?

- ĐNB cần nhanh chóng áp dụng các phương thức canh tác tiến bộ như hạ tán cây để dễ dàng bọc trái, từ đó đi vào sản xuất an toàn; Từng bước cải tiến giống cây ăn trái ở vùng ĐNB, bổ sung thêm các loại cây trồng có chất lượng hơn, năng suất, phẩm chất trái ngon hơn… Bên cạnh đó, việc sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả ở vùng ĐNB phải được xem là giải pháp chiến lược cho sự phát triển của ngành nông nghiệp toàn vùng. Hiện nay, các giải pháp về tiết kiệm nước cho sản xuất rau ăn sạch ở Lâm Đồng, tưới nhỏ giọt cho thanh long ở Bình Thuận… đã thực hiện rất tốt. Các tỉnh ĐNB có thể học tập các mô hình này từ các địa phương lân cận.

Xin cảm ơn ông!