Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nông dân Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp rất lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ngày nay đang tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại hội. |
Tổng Bí thư khẳng định, 5 năm qua, phong trào nông dân cả nước tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò "Trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới", có những bước tiến trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; có nhiều đề xuất với Đảng và Nhà nước trong xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn, tập hợp vận động các tầng lớp nông dân lao động, sản xuất, học tập, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nêu rõ: 5 năm qua, phong trào nông dân và hoạt động của Hội Nông dân các cấp còn những hạn chế, yếu kém, phong trào phát triển chưa đồng đều, kết nối chưa sâu rộng, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới; phương pháp vận động, tập hợp nông dân của Hội chưa có tính đột phá cao, nhiều lúc còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với từng đối tượng, vùng miền…
Tổng Bí thư đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013 - 2018 do Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa V trình đại hội, đặc biệt là về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp lớn. Tổng Bí thư lưu ý 6 vấn đề đề nghị đại hội thảo luận, xem xét, quyết định:
Một là, thường xuyên sơ kết việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết thực tiễn hoạt động của phong trào nông dân; nắm bắt các nguyện vọng chính đáng của nông dân để tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước và có những biện pháp cụ thể để đưa các quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Hội cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nông dân phát huy truyền thống yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; tạo điều kiện cho cán bộ,...
... hội viên nông dân được học tập, học nghề; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tiếp cận thị trường và nâng cao trình độ để trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn.
Hai là, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; "phong trào sản xuất kinh doanh giỏi", "chung sức xây dựng nông thôn mới" với các hình thức hợp tác sản xuất hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hội cần chú trọng xây dựng các chương trình, đề án, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn; đẩy mạnh tổ chức học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiến tới "no đủ - làm giàu"...
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh làm "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới". Mọi hoạt động của Hội phải hướng về cơ sở, khu dân cư; cải tiến công tác chỉ đạo điều hành, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ để tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hóa...
Bốn là, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân...
Năm là, trong sự nghiệp "Đại đoàn kết toàn dân tộc", nhiệm vụ xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Một trong những vấn đề lớn của liên minh công nhân - nông dân - trí thức là lấy liên minh về kinh tế làm nền tảng cho liên minh chính trị.
Việc trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn là hình thức liên kết kinh tế có tác dụng kích thích mạnh mẽ nông dân sản xuất, kết nối thị trường, hợp tác lao động và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Hội Nông dân phải coi đây là khâu quan trọng để hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hội phải có quyết tâm cao, biện pháp tốt để dẫn dắt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi "đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi hợp đồng".
Sáu là, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác dân vận là đợt sinh hoạt chính trị lớn trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hội Nông dân Việt Nam cần tổ chức thật nghiêm túc việc quán triệt, học tập, triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ, hội viên của Hội. Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là: Phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi liền với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân, huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tổ chức lãnh đạo, xây dựng chương trình hành động, tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả trong nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
“Các cơ quan thông tin đại chúng chú trọng tuyên truyền gương cán bộ, hội viên, nông dân giỏi, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng xa rời nông thôn, coi thường nông nghiệp, xem nhẹ vai trò người nông dân trong quá trình phát triển”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Là Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), đại biểu A Lăng Má không giấu nổi cảm xúc rưng rưng khi lần đầu tiên ra thủ đô, đặc biệt là khi vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh tâm sự thêm, dù là Chủ tịch Hội Nông dân xã nhưng vẫn chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác hội, vì thế anh mong muốn sớm được đi học thêm nghiệp vụ cũng như tham quan nhiều các mô hình nông dân sản xuất giỏi để về phổ biến, hướng dẫn bà con trong xã phát triển sản xuất.
Hồi hộp bởi được... phỏng vấn
Nổi bật trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông trắng, đại biểu Giàng Thị Dí - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) khá run khi đứng trước ống kính truyền hình trả lời phỏng vấn. Lần đầu tiên được lên tivi, vì thế dù nắm rất chắc những vấn đề liên quan đến công tác hội nên trước lúc trả lời phỏng vấn, chị?Dí phải ghi trên giấy những ý chính để… đỡ quên và trả lời suôn sẻ.
“Cháy” pin vì gọi điện cho vợ
Mặc bộ quần áo mới, đội chiếc mũ nồi truyền thống của dân tộc Mông, ông Sùng Sính Vừ – Chủ tịch Hội ND xã Sả Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) chạy đi chạy lại chụp ảnh. Ông Sính cho biết: Được về thủ đô dự Đại hội ND là cơ hội để bày tỏ nguyện vọng của đồng bào quê mình với Đảng, Nhà nước và Hội ND T.Ư. Ông cũng kể: “Vợ mình gọi điện hỏi suốt từ tối qua đến giờ, điện thoại của mình “cháy” cả pin vì phải kể cho vợ nghe… chuyện ở Hà Nội”.
Hữu Thông- Nam Tùng Sơn
Thanh Hiền (ghi)