Làm quen với mọi loại… gió
Trở lại SEA Games 2013, tại khu đua thuyền Nagalike Dam ở Nay Pyi Taw, Myanmar, trong sự chứng kiến của đông đảo người xem, các tay chèo Việt Nam đã không thể phát huy hết khả năng.
Khi mọi sự tập trung đều hướng vào những đối thủ chính tới từ Thái Lan, Indonesia, Singapore, thì các vận động viên (VĐV) chủ nhà khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Lý do là Myanmar thời điểm đó đã “ém quân” không dự giải vô địch Đông Nam Á - có ý nghĩa như giải tiền SEA Games nên các nước không nắm bắt được thực lực của họ. Còn riêng các VĐV Việt Nam chỉ quen với gió xuôi hoặc ngược thì ở hồ Nagalike Dam, gió lại thổi… ngang.
Để giúp các VĐV khỏi bỡ ngỡ trước mọi loại gió, thay vì thường chỉ tập luyện ở CLB đua thuyền Hồ Tây (Hà Nội), từ cuối tháng 3 năm nay, đội đã chuyển tới tập huấn ở Trung tâm Đua thuyền Sông Giá (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Ông Nguyễn Hải Đường - Trưởng bộ môn đua thuyền Tổng cục TDTT cho biết: “Chuyên gia người Australia Doonelly đánh giá khu đua thuyền Sông Giá là địa điểm lý tưởng để rèn luyện chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng rất tốt. Ngoài hệ thống mặt nước bằng phẳng, điều kiện về hướng gió, dòng chảy, khu nghỉ ngơi, sinh hoạt, dinh dưỡng cho VĐV… cũng được đảm bảo”.
Theo ông Đường, Indonesia vẫn là quốc gia có thực lực mạnh nhất ở SEA Games. Lực lượng của đội tuyển đua thuyền xứ vạn đảo rất dồi dào, lại được đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị, được đi tập huấn tại Hà Lan, Australia. Tại SEA Games 2013, ở môn canoeing, các tay chèo Indonesia giành 4 HCV (Việt Nam không giành được chiếc HCV nào). Còn với rowing, Indonesia cũng “ẵm” 5 HCV trong tổng số 9 bộ huy chương (rowing Việt Nam chỉ giành được 1 HCV nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ).
Trông chờ “nữ tướng”
Tại SEA Games 2015, với rowing, Ban tổ chức đưa vào tranh 18 bộ huy chương và giới hạn mỗi VĐV chỉ được đăng ký 2 nội dung. Đặc biệt, thay vì giữ các cự ly dài tới 2.000m như mọi kỳ SEA Games, chủ nhà Singapore đã rút ngắn cự ly tranh tài. Theo đó, cự ly dài nhất với rowing chỉ là 1.000m. Theo tính toán của đội đua thuyền Việt Nam, trong cảnh “khó người khó ta” ấy, chúng ta đã có sự phân bổ hợp lý về mặt con người.
“Thời gian qua, chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Giữa tháng 3 năm nay, đội đã thi đấu thành công ở Cúp châu Á tổ chức ở Singapore khi giành được 8 HCV, xếp nhất toàn đoàn. Hy vọng chúng tôi sẽ một lần nữa thể hiện được hết khả năng, phản ánh đúng công sức tập luyện của mình ở đảo quốc sư tử để mang vinh quang về cho Tổ quốc”- nữ VĐV kỳ cựu Phạm Thị Thảo chia sẻ.
HLV Lê Văn Quang bày tỏ: “Năm nay, Singapore đưa lại các nội dung thi đấu phù hợp nên chúng ta có sự thể yên tâm. VĐV rowing nữ Việt Nam nhỉnh hơn về chuyên môn so với một số đội trong khu vực nên khả năng giành HCV khá cao”.