Dân Việt

Kiện vì bị hàng xóm "tố"

25/05/2015 07:37 GMT+7
Do bị hàng xóm khiếu nại tranh chấp đất nên đương sự không bán được miếng đất của mình, vậy là ông này kiện hàng xóm ra tòa đòi bồi thường thiệt hại.
TAND TP.HCM vừa hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện của TAND quận Thủ Đức. Trong vụ này, ông N.K.L (phường Bến Nghé, quận 1) kiện bà B.T.C (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.

Cuối tháng 10.2013, ông L nộp đơn khởi kiện với chứng cứ là bản phôtô đơn khiếu nại của bị đơn tại TAND quận Thủ Đức.

Kiện vì... cái đơn khiếu nại

Trong đơn kiện, ông L cho rằng quyền nhân thân của mình (gồm danh dự, uy tín, nhân phẩm) đã bị bà C xâm phạm bấy lâu. Chứng cứ mà ông nộp cho tòa là... đơn khiếu nại của bà C mà theo ông bà này đã bịa đặt, vu khống ông. Đơn khiếu nại này được bà C nộp vào ngày 12.4.2005 cho UBND phường Hiệp Bình Chánh và quận Thủ Đức nói ông đã xâm chiếm đất của bà ở liền kề sâu vào 35-40cm dọc suốt theo chiều dài thửa đất của bà.

Ông L do có sự khiếu nại này mà 10 năm nay thửa đất của ông bị “đóng băng”, không bán chác gì được. Việc làm của bà C đã gây cho ông quá nhiều thiệt hại, làm mất quyền nhân thân của ông suốt bao năm qua; làm ông mất công ăn việc làm, mất thu nhập do... nghỉ việc đi khiếu nại, gây tổn thất tinh thần cho ông...

Ông xác định tài sản tranh chấp trong vụ này là quyền nhân thân bị xâm phạm. Từ đó ông yêu cầu tòa “buộc bà C phải cung cấp ra tòa các chứng cứ, vật chứng gốc đã bịa đặt, vu khống, đã tố cáo ông và nó phải được pháp luật và ông thừa nhận đúng”. Nếu bà C không cung cấp được thì đề nghị tòa xem xét và kết luận ngay trong bản án “bà C đã tự tạo dựng ra, bịa đặt ra để vu khống và tố cáo ra UBND phường việc ông xâm chiếm đất liền kề của bà”.

Ông L cũng khẳng định án tòa cần kết luận bà C đã cố ý xâm phạm quyền nhân thân của ông tại đơn khiếu nại nộp 10 năm trước. Từ những phân tích trên, ông yêu cầu bà C và những người liên quan phải chấm dứt mọi hành vi xâm phạm, phải có văn bản xin lỗi, cải chính công khai tại phiên tòa, tại UBND phường, quận và khu phố.

img

Bị trả đơn rồi bị đình chỉ

Sau khi nhận đơn kiện của ông L, TAND quận Thủ Đức ra thông báo yêu cầu ông L cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bà C xúc phạm uy tín, danh dự ông. Không đồng tình, ông khiếu nại lên chánh án TAND quận vì cho rằng đã nộp cho tòa đơn khiếu nại của bà C nói ông là người đã lấn chiếm ranh đất của bà nhưng không được chấp nhận. Tiếp đó, TAND quận ra quyết định trả đơn khởi kiện cho ông vào ngày 16.12.2013 vì không bổ sung chứng cứ theo hạn luật định.

Ông L tiếp tục khiếu nại lên chánh án TAND TP.HCM yêu cầu hủy bỏ quyết định trả đơn của tòa quận, đồng thời tòa quận phải thụ lý giải quyết vụ kiện của ông.

TAND TP.HCM nhận định khi nộp đơn khởi kiện, ông L có nộp kèm đơn khiếu nại nói trên của bà C. Theo kết quả xác minh, bản phôtô đơn khiếu nại này mà ông L nộp đúng là bản phôtô đơn mà bà C đã gửi đến UBND phường. Như vậy chứng cứ, tài liệu ban đầu để chứng minh cho việc kiện là có căn cứ theo Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc tòa trả lại đơn kiện là không đúng.

TAND quận Thủ Đức đã thụ lý lại vụ án nhưng sau đó lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vì... hết thời hiệu khởi kiện vào tháng 12.2014. Theo tòa này, ông L đi kiện vì cho rằng chính đơn khiếu nại của bà C 10 năm trước làm thửa đất của ông bị UBND phường ngăn chặn khiến ông bị thiệt hại và yêu cầu bồi thường. Như vậy, yêu cầu khởi kiện này của ông L là yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nhưng từ năm 2005, ông L đã phát hiện bà C gây thiệt hại về nhân thân cho ông. Theo quy định, thời hiệu khởi kiện của vụ án tranh chấp dạng này là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích cá nhân bị xâm phạm.

Ông L lại kháng cáo.

Lần này kháng cáo của ông lại được TAND TP chấp thuận. Theo tòa này, đây là vụ án bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 160 Bộ luật Dân sự và khoản 4 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự). Việc TAND quận Thủ Đức đình chỉ là không đúng, cần hủy quyết định đình chỉ và giao hồ sơ lại cho tòa này tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

Một vụ kiện lạ!

Như vậy vụ án của ông L về mặt tố tụng đã được giải quyết nhưng về mặt nội dung vẫn có nhiều tranh cãi. Việc ông L kiện bà C hàng xóm chỉ vì bà đi khiếu nại có đúng không? Bởi lẽ quyền khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của mọi công dân khi thấy quyền và lợi ích bị xâm hại. Việc bà C khiếu nại ở UBND phường cho rằng bị lấn đất là đúng trình tự luật định. Việc khiếu nại của bà có căn cứ hay không do cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc ông L cho rằng quyền nhân thân bị xâm hại khi bà C thực hiện quyền của bà có thỏa đáng không?

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thiệt hại có xảy ra với ông L là việc mảnh đất bị đóng băng. Nhưng phải xét việc cản trở của bà C và của UBND có đủ lực làm cho ông L không bán được đất như ông nói không. Đây là mấu chốt để gỡ nút cho vụ án này. Trong trường hợp này, lý ra ông L nên khởi kiện hành vi hành chính của UBND phường để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu họ có hành vi sai trái và bà C trở thành người liên quan. Nói vậy là do trong nhiều trường hợp giải quyết tranh chấp đất đai (nếu không có giấy tờ) theo luật, UBND là nơi giải quyết. Việc ông L cho rằng khiếu nại của bà C xâm phạm quyền nhân thân của ông là khó chứng minh, trong khi bà C chỉ thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, còn việc cấm chuyển dịch, mua bán đất lại do cơ quan có thẩm quyền.