Ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT) nhận định như trên khi trao đổi với NTNN về dự án Luật KTTV - 1 trong 15 dự án luật sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp đang diễn ra.
Hiện Quốc hội đang cho ý kiến về dự án Luật KTTV. Theo ông khi luật được thông qua sẽ có ý nghĩa như thế nào với ngành?
- Luật được ban hành sẽ rất có ý nghĩa với ngành KTTV, bởi ngành đã ra đời hơn 100 năm nhưng đến năm 1994 mới có văn bản mang tính chất pháp lý là Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ nguồn lợi công trình thủy văn. Từ đó đến nay, chưa có một văn bản nào liên quan, nên việc có một luật chuyên ngành riêng sẽ giúp luật hóa các hoạt động của chúng ta trong công tác dự báo KTTV và nâng cao nhận thức xã hội về ngành.
Đứng ở góc độ cơ quan chuyên môn, theo ông, luật ra đời có nâng cao được chất lượng dự báo thời tiết, dự báo thiên tai hay không?
- Đây cũng là câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội, tuy nhiên khó có thể khẳng định là luật ra đời có nâng cao được chất lượng dự báo hay không. Bởi thực tế, việc dự báo phụ thuộc vào nhiều vấn đề, không thể luật ban hành ra là nâng cao chất lượng ngay được. Dự báo còn phụ thuộc vào kỹ thuật, vấn đề con người, quản lý, nhưng chắc chắn luật ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ về quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý để chúng ta đầu tư, hợp tác, phối hợp nâng cao trách nhiệm… chất lượng dự báo chắc chắn sẽ được nâng cao.
Thực tế cho thấy, trong công tác dự báo hiện nay vẫn còn tình trạng dự báo sai, các quy định của luật liệu có giúp, xóa bỏ tình trạng “Gia Cát Dự”, thưa ông?
- “Gia Cát Dự” là cách gọi vui vậy thôi, dự báo khí tượng là một trong những dự báo khó của nhân loại, có người nói chỉ xếp sau điều khiển vũ trụ mà thôi. Do đó, dự báo sai cũng khó tránh khỏi, bản thân công việc làm dự báo là dựa vào thông tin chúng ta quan trắc được, dựa vào các mô hình… Trong khi đó, các mô hình ấy cũng là cái thể hiện hóa những điều chúng ta đã biết, còn những hiểu biết về khí hậu, Trái đất như thế nào… vẫn còn nhiều bí mật và là thách thức của cả nhân loại. Vì vậy, đôi khi do thiếu thông tin hoặc do mô hình hóa chưa phản ánh hết các điều kiện tự nhiên, dẫn tới việc dự báo sai là đương nhiên.
Chẳng hạn, hiện nay, chúng ta xác định tâm bão bằng ảnh vệ tinh thì bản thân ảnh vệ tinh đã cho sai số tới vài chục cây số rồi. Do đó, khi dự báo sai không phải chỉ do con người mà còn do cả hạn chế về hiểu biết, hạn chế về công nghệ và về khoa học kỹ thuật.
Theo tôi, việc nâng cao chất lượng dự báo, một mặt phải tăng cường tinh thần trách nhiệm của đội ngũ quan trắc viên, nhưng đồng thời cũng phải tăng cường nghiên cứu, tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật. Mặt khác, cũng phải cùng thế giới để nâng cao được nhận thức, hiểu biết của chúng ta về hệ thống thời tiết thì mới dự báo chính xác được.
Thực tế, việc dự báo sai sẽ có tác động rất lớn tới kinh tế xã hội, thậm chí là cả tính mạng của nhiều người dân. Tuy nhiên, trong dự án Luật KTTV mới đề cập cụ thể đến trách nhiệm làm công tác dự báo, mà chưa nói rõ về trách nhiệm phải chịu khi dự báo sai, dự báo không kịp thời? Nhiều ý kiến cũng nói, chưa thấy ai nhận trách nhiệm khi dự báo sai?
- Chúng tôi cho rằng sẽ phải bổ sung vào trong luật quy định về trách nhiệm dự báo sai, nhưng vấn đề là quy định như thế nào. Chúng tôi chỉ dự kiến bổ sung quy định trách nhiệm của người dự báo, tức người dự báo phải tuân thủ các quy trình, quy chế trong tác nghiệp của mình về dự báo. Nếu sai là xử lý như quy định về cán bộ, công chức, chứ không thể cứ kết quả dự báo sai là đem dự báo viên ra xử lý, kỷ luật. Nếu các dự báo viên đã làm hết sức, nhưng hiểu biết của chúng ta chỉ có đến thế thì kết quả dự báo sai do yếu tố khách quan cũng không thể quy trách nhiệm được.
Hiện các nước phát triển có công nghệ dự báo hiện đại hơn chúng ta cũng không ai quy định phải xử lý người làm công tác dự báo khi có kết quả dự báo sai.
Xin cảm ơn ông!