Cục Đăng kiểm đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải trước tiên tại Đà Nẵng. Cụ thể, từ 1.7.2018 áp dụng kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy trên 10 năm sử dụng.
Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) tham gia giao thông tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Hiện tại, bộ này đang lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan trước khi áp dụng.
Năm 2018 áp dụng kiểm soát khí thải xe máy
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay xe mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân tại các thành phố lớn. Tại Hà Nội, TP.HCM, số lượng xe máy đăng ký là 11.179.619 chiếc, chiếm khoảng 25% tổng số xe máy cả nước. Xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn hiện nay, nhưng lại chưa được kiểm soát khí thải trong quá trình sử dụng.
Do vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải trước tiên tại Đà Nẵng. Cụ thể: Từ 1.7.2018 áp dụng kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy trên 10 năm sử dụng. Từ ngày 1.7.2019 áp dụng với xe trên 5 năm sử dụng.
Tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ, việc kiểm soát khí thải được thực hiện theo lộ trình: Từ ngày 1.7.2020 đối với xe trên 10 năm sử dụng. Từ ngày 1.7.2021, bắt buộc đối với xe trên 7 năm sử dụng, xe có đăng ký lần đầu từ trước ngày 1.7.2014. Từ ngày 1.7.2022, bắt buộc đối với xe trên 5 năm sử dụng, xe có đăng ký lần đầu từ trước ngày 1.7.2017.
Xe mô tô, xe gắn máy thuộc phạm vi lộ trình quy định sau khi được kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được cấp giấy chứng nhận để xác nhận và dán tem kiểm định để các lực lượng kiểm tra phân biệt với những xe khác. Xe có kết quả kiểm định không đạt tiêu chuẩn khí thải phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và được kiểm định lại.
Xe thuộc phạm vi lộ trình quy định nhưng không thực hiện kiểm định hoặc không được bảo dưỡng, sửa chữa đạt tiêu khí thải sẽ bị xử lý vi phạm hành chính chủ yếu theo hướng kết hợp khi xử lý các hành vi vi phạm khác về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị.
Dự kiến chi phí kiểm định từ 100-150 nghìn đồng/lần/xe
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, các nhà sản xuất thường khuyến nghị xe mô tô, xe gắn máy phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ 6 tháng/lần (tương đương khoảng 4.000km/lần). Tuy nhiên, để giảm tải cho hệ thống kiểm định, bớt gây ảnh hưởng đến người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, Cục Đăng kiểm đề xuất chu kỳ kiểm định là 2 năm/lần, sau đó sẽ được điều chỉnh xuống 1 năm/lần cho phù hợp.
Nơi kiểm định xe máy sẽ được kết hợp giữa các đại lý ủy quyền của nhà sản xuất xe máy với các cơ sở đăng kiểm để thực hiện.
Về chi phí kiểm định, Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài chính ban hành mức tính toán sơ bộ là 100 - 150 nghìn đồng/lần/xe. Theo ước tính sơ bộ, thời gian kiểm định trung bình khoảng 8 phút/xe. Việc kiểm soát xe máy nhằm mục đích bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, tăng cường thu hút đầu tư thương mại và du lịch.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngày 17.6.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Theo đó, giai đoạn 2010-2013 triển khai đề án tại Hà Nội, TP.HCM và giai đoạn 2013-2015 mở rộng phạm vi thực thực hiện đề án đến các thành phố loại 1, loại 2.
Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa triển khai được do kiểm soát khí thải xe máy là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức khác nhau. Chưa có căn cứ pháp lý đủ mạnh và chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền.
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, đến 31.12.2014 đã có 45.072.363 xe được đăng ký, phần lớn là mô tô 2 bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước. Theo ước tính, số lượng xe máy trên 5 năm sử dụng hiện nay (đăng ký từ năm 2009 trở về trước) ở 5 thành phố trực thuộc T.Ư là 8.391.452 xe, chiếm 62,5%.