Dân Việt

Khủng hoảng tinh thần vì chứng kiến con bị lạm dụng tình dục

Minh Nguyệt 26/05/2015 08:03 GMT+7
Mỗi năm có hàng trăm vụ xâm hại tình dục bị phát hiện và hàng nghìn vụ khác vẫn chìm trong bóng tối. Hậu quả, trẻ em bị khủng hoảng ám ảnh cả thể chất lẫn tinh thần trong suốt cuộc đời, còn gia đình các em thì lâm vào cảnh khốn đốn vì lời dèm pha.


Lạm dụng tình dục đang là vấn nạn đe dọa rất nhiều trẻ em trên khắp thế giới. Hậu quả để lại không chỉ là nỗi đau thể xác mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, sức khỏe của trẻ. Vậy phải làm sao để bảo vệ con em mình trước những mối đe dọa này?

Hãy cùng theo dõi những bài viết, tâm sự và ý kiến của các chuyên gia về vấn đề trên để có được những biện pháp bảo vệ, phòng chống và giúp con em mình tránh được vấn nạn này. 

“Chết đứng” vì quá tin hàng xóm

V.T.N, 11 tuổi (Đắc Nông) từng bị một thanh niên gần nhà xâm hại tình dục. Mẹ cô, bà Nguyễn Thị Nga vì hay phải đi làm rẫy nên đành để con ở nhà một mình. Lúc thì nhờ hàng xóm trông, lúc thì để cho hai con (N và em trai 5 tuổi) tự chơi với nhau. Thật không ngờ Nguyễn Văn Tâm, con trai của bác hàng xóm lại giở thủ đoạn, cưỡng bức tình dục với N rất nhiều lần.

img

 Ảnh minh họa

Từ khi bị xâm hại tình dục, N rơi vào tình trạng hoảng loạn, mất ngủ, hay la hét trong khi ngủ. Từ đó N, gầy yếu hơn, học tập sa sút, tuy vậy gia đình vẫn không hay biết vì em rất lo sợ và không kể sự việc với bất kỳ ai.

Ngày 3.12.2014, tình cờ bà Nga đi làm rẫy nhưng quên cuốc nên phải về nhà lấy, rồi bà bỗng “chết đứng” vì nhìn thấy cảnh anh hàng xóm đang ghì chặt N xuống đất, mặc cho N kêu gào thảm thiết.

Sau lần đó, gia đình bà Nga cũng bị khủng hoảng. Bà Nga, luôn đau khổ, bị dằn vặt và gặp ác mộng vì đã không bảo vệ được con gái để con bị xâm hại tình dục.

Một thời gian dài sống trong nỗi đau khổ, dằn vặt bởi sự dèm pha của hàng xóm, gia đình bà Nga đã phải chuyển nhà để giúp con lãng quên quá khứ.

Trước đó, vào tháng 11.2014 chị Lê Thị Trâm (Móng Cái, Quảng Ninh) gọi đến tổng đài 18001567 (đường dây miễn phí của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em) trao đổi về việc con gái là N.T.N.Y sinh năm 2007 bị bảo vệ trường tiểu học (sinh năm 1949) xâm hại tình dục vào tháng 09.2013.

Sau khi bị xâm hại tình dục, Y bị suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần. Y gầy yếu, ăn không được, và luôn sống trong sự lo sợ mỗi khi gặp người lạ nhất là đàn ông. Buổi tối, lúc ngủ Y hay la hét, ban ngày thì lúc nào cũng buồn rầu trầm lặng. Y không đến lớp, đòi mẹ chuyển trường. Suốt thời gian đó, gia đình Y sống trong tâm trạng vừa căm phẫn, vừa đau khổ.

Bà Nguyễn Thuận Hải – Trưởng phòng tư vấn hỗ trợ, trẻ em (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em) cho biết: Sự việc chỉ cải thiện khi tổng đài kết nối với Trung tâm CTXH Quảng Ninh để hỗ trợ trường hợp này, đồng thời trao đổi với bà Trâm đưa con xuống trung tâm để trị liệu về tâm lý cho cháu.

Mọi trẻ em, gia đình và các cá nhân khi gặp các vấn đề về trẻ em có thể liên lạc qua Đường dây hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ trẻ em 18001567 của Cục Chăm sóc bảo vệ trẻ em để được tư vấn, hỗ trợ. Cước cuộc gọi hoàn toàn miễn phí.
Những cuộc “trốn chạy” bất thành

Sau những vụ xâm hại tình dục, hầu hết trẻ em đều lâm vào tình trạng bị khủng hoảng nặng nề. Không chỉ thế, gia đình các nạn nhân thường phải đối diện với sự dị nghị, hiếu kỳ của hàng xóm. Chính vì vậy, để xóa bỏ quá khứ ám ảnh cho con, để giữ phẩm giá của gia đình, nhiều người đã chọn cách mang con đi trốn chạy.

Bà Nguyễn Thị Nga (Đắc Nông) trong câu truyện có con bị xâm hại tình dục là N.T.N ở trên đã tâm sự với đường dây hỗ trợ trẻ em rằng, bà rất lo sợ cho tương lai của con. Càng lo sợ hơn khi mà đồng bào dân tộc nơi bà sinh sống có cái nhìn rất hà khắc về việc con gái bị cưỡng bức. “Bà nói sau này, dù có lớn N vẫn không thể lấy chồng vì không một người đàn ông nào ở tộc người đó muốn lấy một cô vợ từng bị xâm hại tình dục. Chính vì vậy, bà và gia đình quyết định bán hết nương rẫy đi để chuyển về một vùng đất khác do người thân giới thiệu, thế nhưng cuộc “trốn chạy” vẫn không thể giúp N quên đi quá khứ. Con gái bà Nga vẫn bị ám ảnh, lâm vào tình trạng trầm cảm nặng” – một nhân viên tổng đài kể lại.

Bà Hải cũng cho rằng, hầu hết các gia đình có con bị xâm hại tình dục đều không có kinh nghiệm hoặc khả năng xử lý vụ việc. Đa phần các gia đình đều chọn cách im lặng, đòi bồi thường và không khởi tố bị can. Một số khác thì chọn cách im lặng và mang con chạy trốn.

“Tuy nhiên, dù chọn cách nào trong hai cách trên cũng đều là sai lầm. Khi trẻ bị xâm hại tình dục, điều quan trọng nhất là phải tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ trẻ vượt qua sợ hãi. Kết nối với cơ quan chức năng đưa hung thủ ra trước pháp luật. Đồng thời bố mẹ không nên gây ồn ào, tránh làm vết thương của trẻ lại càng bị khoét sâu” - bà Hải nói.

Cũng theo bà Hải, có nhiều gia đình vì sợ tai tiếng nên cho con chạy trốn. Tuy nhiên đây cũng không phải là cách làm tốt, bởi càng giấu chuyện thì trẻ càng mặc cảm, khủng hoảng. Cần phải cho trẻ được trị liệu tâm lý, bởi nếu không trị liệu thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm, không thể có cuộc sống bình thường.

Theo thống kê của Đường dây hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ trẻ em  18001567 thì tổng số cuộc gọi có liên quan về vấn đề xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em chiếm đến 70% tổng số cuộc gọi về bảo vệ trẻ em. Số cuộc gọi này có xu hướng tăng đột biến trong 3 năm gần đây.

Cụ thể, số ca xâm hại tình dục qua các năm (từ năm 2012 tới năm 2014) có xu hướng gia tăng. Tổng số ca cung cấp thông tin về tư vấn XHTD trong năm 2012 là 439 cuộc, năm 2013 là 647 cuộc, năm 2014 là 985 cuộc.

Năm 2014, đường dây đã can thiệp cho 132 ca, tư vấn cho 297 ca, cung cấp thông tin cho 556 cuộc gọi có liên quan tới xâm hại tình dục.

Nếu số ca can thiệp về xâm hại tình dục trẻ em năm 2012 chỉ chiếm 23,2% số ca can thiệp của tổng đài đã tăng lên 41,5% (tăng gần 20% so với năm 2012, tăng từ 79 ca lên 110 ca) năm 2014 tổng số ca xâm hại tình dục được can thiệp chiếm tỉ lệ khoảng 33%.

 * Bài viết sử dụng thông tin từ cuộc phỏng vấn của phóng viên Dân Việt với bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng phòng tư vấn hỗ trợ, trẻ em (thuộc Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em). Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.