Những bao thức ăn được chị Mẩy may lại thành túi để đựng hàng vừa tiện lợi lại ít bị bẩn. Ảnh: L.S
Đã nhiều năm nay, chị Mẩy cùng với 4 chị em cùng xã Tả Phìn đã đi tìm mua trang phục của người Mông rồi đón xe đi bán khắp nơi. Từ Bắc vào Nam nơi nào có người Mông sinh sống, các chị đều đã đặt chân đến. Mỗi chuyến đi của các chị thường kéo dài từ 10 ngày tới cả tháng. Chị Mẩy kể, chị đã từng theo xe vào tới tận những bản người Mông ở Đăk Nông để bán quần áo của dân tộc mình. “Mỗi chuyến hàng như vậy, chuyến nào may mắn thì lãi được 5,6 triệu, chuyến nào ít thì được 3,4 triệu đồng. Nhưng như vậy là nhiều rồi, chứ ở nhà chỉ trông vào ruộng nương thì làm mãi cũng chỉ đủ ăn. Lúc đầu đi bán hàng kiểu này cũng sợ chứ, lại còn say xe nữa, nhưng đi nhiều rồi cũng thành quen. Đi mấy người với nhau thì vui nhưng lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, nên cứ chia ra mỗi người đi mấy bản. Có nhiều khi bà con chẳng có tiền, họ lại mang gà với các đồ vật trong nhà ra đổi với mình. Thế mà nhiều khi cũng phải mang về đấy” – chị Mẩy nói.
Chị Mẩy suốt ngày bôn ba trên đường nên chồng chị là chỗ dựa chính trong gia đình, vừa làm nương vừa chăm sóc con cái. Nhờ có những chuyến hàng đều đặn này, chị Mẩy đã nuôi được em trai tốt nghiệp đại học luật, hiện đang làm cán bộ xã. “Cha mẹ mất khi em còn đang nhỏ nên vợ chồng mình là anh chị thì cũng giống như cha mẹ. Trước cha mẹ dặn phải cho em ăn học tới nơi tới chốn, hai vợ chồng mình quyết nghèo mấy, khổ mấy cũng không cho em nghỉ học giữa chừng. Rồi em cũng học hành giỏi giang, tốt nghiệp, có công ăn việc làm ổn định ở xã. Giờ còn hai đứa con, mình cũng quyết cho chúng nó ăn học, để khỏi khổ như bố mẹ”.
Nhờ tư duy năng động, thay đổi cách làm ăn mà nhiều phụ nữ Mông ở Tả Phìn đã giúp cho kinh tế gia đình thoát nghèo và nuôi dạy con cái học đến nơi đến chốn…