Dân Việt

Bí quyết sử dụng xoong chảo bền đẹp

26/05/2015 15:18 GMT+7
Chảo đắt tiền chưa chắc đã bền, thậm chí chất lượng còn kém hơn chảo bình thường nếu người nội trợ không biết cách bảo quản.

Cách sử dụng chảo chống dính

Hầu hết các gia đình hiện nay đều ưa dùng các loại xoong chảo chống dính. Muốn sử dụng chúng được bền, ít bị trầy xước, bạn cần chú ý:

- Khi mới mua về, nên rửa chảo qua một lần với nước rửa chén để làm trôi lớp bụi bẩn bám trên mặt chảo, sau đó quét một lớp cà phê lên mặt chảo và đem hâm nóng, sau đó rửa lại chảo cho sạch. Cách này không những giúp khử mùi của lớp sơn chống dính mà giúp chảo dễ rửa hơn.

- Khi nấu bằng các loại chảo bình thường, các bà nội trợ hay để chảo nóng lên rồi mới đổ dầu vào. Nhưng với chảo chống dính, tuyệt đối không để chảo trên bếp nóng khi bên trong chảo chưa có dầu. Vì với lớp sơn tĩnh điện bên ngoài, chảo chống dính nhanh nóng hơn các chảo bình thường, nếu chế dầu hoặc chất lỏng khác vào đột ngột sẽ làm lớp sơn chống dính dễ bong tróc.

img

Nên dùng đũa, thì bằng gỗ để đảo, gắp thức ăn trong chảo chống dính.

- Chỉ được dùng thìa, muỗng bằng nhựa hoặc bằng gỗ để xào nấu các món ăn trong chảo. Nếu sử dụng đồ nhựa, dụng cụ bị cong phải thay ngay; hoặc đối với đồ gỗ, dụng cụ bị xước cũng không được dùng, vì dễ làm lớp sơn chống dính bong tróc.

- Nên sử dụng chảo ở nhiệt độ vừa phải, không được cao quá 260 độ. Nếu không xác định được nhiệt độ, tốt nhất nên để lửa cháy trong phạm vi đáy chảo, nếu lửa cao lên đến thành chảo dễ làm hư chảo và chất chống dính trong chảo bị phân hủy, có thể gây độc hại.

- Khi chảo đang nóng, không được đổ trực tiếp nước mắm hoặc muối vào vì lớp sơn chống dính sẽ bị rỗ.

- Không để muối hoặc cặn thức ăn bám vào chảo quá lâu vì sẽ gây khó khăn cho việc chùi rửa. Tốt nhất khi nấu xong, để cho chảo thật nguội rồi rửa. Chảo sạch hơn khi được vệ sinh bằng dung dịch nước rửa bát ấm.

- Không dùng những chất tẩy rửa nồng độ cao hoặc bỏ chảo vào máy rửa chén vì chất tẩy rửa và nhiệt độ cao trong máy sẽ làm nhanh hư lớp sơn chống dính. Dụng cụ rửa chảo phải là khăn hoặc mút mềm, tránh dùng những vật có kim loại.

- Treo lên giá cao là cách bảo quản chảo tốt nhất. Bạn không nên để các xoong nồi khác chồng lên chảo, tránh làm xước lớp chống dính hoặc biến dạng chảo. Bạn cũng có thể cho chảo chống dính vào lò nướng để nướng bánh, thịt gà… hoặc bảo quản trong tủ lạnh nếu ngại múc thức ăn ra. Chảo cho được vào lò vi sóng (loại cỡ lớn) nếu lớp phủ bên ngoài của nhà sản xuất không phải là kim loại.

img

Dùng khăn mềm để lau rửa sẽ giúp bảo về lớp chống dính.

- Chảo cần thay mới khi lòng chảo bị trầy xước hoặc sát dính thức ăn, thường là 1-2 năm sử dụng, hoặc 3 năm nếu lớp chống dính vẫn được bảo toàn.

Một số mẹo tẩy rửa xoong nồi

Khi nấu ăn hằng ngày, xoong, nồi của bạn không thể không tránh khỏi những vết cháy lì lợm bám chặt ở dưới đáy và ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng thẩm mỹ của món ăn. Hãy làm theo những cách sau để trả lại vẻ sáng bóng cho xoong nồi nhé:

- Hãy rắc muối lên chỗ có những vết dơ khó chùi, để 1 giờ sau bạn hay cạo rửa, vết dơ sẽ tróc rất dễ dàng.

- Trộn 5 thìa bột nở với 5 cốc nước, sau đó đun hỗn hợp trên trong nồi chảo bị cháy với lửa nhỏ trong khoảng 20 phút. Vết cháy sẽ bở ra và nổi lên mặt. Bạn dùng miếng chùi rửa cọ sạch các vết còn bám lại trên bề mặt đáy nồi.

img

Để tẩy rửa xoong chảo sau khi xào nấu thì chỉ cần một số mẹo đơn giản.

- Bạn chỉ cần đổ một chút giấm vào nồi nước rồi đun sôi trong khoảng 30 phút, khi nước sôi bạn nhớ mở vung để hơi nước thoát ra ngoài. Với cách này, các vết cháy sẽ tự bong ra và hơi nước bốc lên có tác dụng khử mùi hôi trong xoong, nồi. Với những xoong, nồi, hay hộp nhựa, khay nhựa bạn cũng có thể dùng giấm để tẩy rửa.

- Với những nồi làm bằng đất nung hay thủy tinh thì chỉ cần cho vào đó một ít vỏ trứng bóp vụn, rồi cho nước vào lắc. Sau đó xả nhiều lần bằng nước lạnh. Bên ngoài nồi hãy lấy bông thấm cồn để đánh bóng. Không nên sử dụng nước rửa chén bát vì sẽ bám mùi.