Dự thảo cũng quy định là tội phạm (tội phạm hóa) đối với 8 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế: Vi phạm quy định về sử dụng điện; Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; Trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; Gian lận bảo hiểm xã hội; Gian lận bảo hiểm y tế; Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động: Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Dự thảo bộ luật quy định là tội phạm đối với hành vi cản trở việc thực hiện quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân; làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân và hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Quy định là tội phạm đối với hành vi khiêu dâm trẻ em và hành vi chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người khác; cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ.
Nói về sự cần thiết ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), trong đó có các quy định về tội danh mới, ông Hà Hùng Cương - Bộ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án bộ luật) cho biết: Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa cập nhật được đầy đủ, kịp thời các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, nguy hiểm cao cho xã hội để có biện pháp xử lý hình sự thích đáng. Điển hình có thể kể tới các hành vi lạm dụng lao động trẻ em; chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người; vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ; lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền, tài sản; các vi phạm trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, môi trường, công nghệ cao… Thực tế này chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.