Dân Việt

Facebook: Thế giới hai mặt đầy cạm bẫy

03/07/2013 19:42 GMT+7
Dân Việt - Facebook là “phép màu” thần kỳ “nối trọn cả vòng thế giới” nhưng cũng là thủ phạm của không ít những nỗi đau đớn, tổn thương của bạn trẻ.

Có em bị bạn học ghép ảnh mặc áo cổ rộng đưa lên Facebook nên tự tử. Lại có cô gái, sau khi bỏ người yêu thì bị anh ta đưa ảnh khỏa thân đã chụp trước đó lên Facebook. Facebook là “phép màu” thần kỳ “nối trọn cả vòng thế giới” nhưng cũng là thủ phạm của không ít những nỗi đau đớn, tổn thương của bạn trẻ.

img
Khoe thân trên Facebook câu like, nhiều bạn gái trẻ đã trở thành “miếng mồi ngon” của những kẻ quấy rối.

Từ tự tử đến đi tù vì Facebook

Ngày 1.7, N.T.T.L (18 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) - uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị bạn học cùng lớp tên H chụp ảnh chân dung rồi ghép vào ảnh mặc áo cổ rộng, đưa lên mạng xã hội Facebook - đã tử vong.

Chỉ vì một trò đùa, cô gái tuổi đời còn phơi phới đã ra đi mãi mãi. Nhiều người oán trách H nhưng cũng nhiều người xót xa “sao T.L quá yếu đuối” như vậy.

Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân TP Quy Nhơn (Bình Định) cũng đã khởi tố đối tượng Đỗ Đình Tĩnh (ngụ phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) vì tung ảnh khỏa thân của người yêu cũ lên mạng. Khi còn yêu nhau, Tĩnh đã dùng điện thoại chụp ảnh khỏa thân của người yêu. Sau khi bị cô gái đá, do biết mật khẩu vào Facebook của người yêu cũ, Tĩnh đưa ảnh khỏa thân của cô gái của cô này lên trang với chú thích "Em là N. nè, em chửa và phá thai hai lần". Sau đó, Tĩnh đã đổi mật khẩu để cô gái không gỡ bỏ được tấm ảnh này.

Thậm chí, sau khi cô gái đã nhờ người có kỹ thuật gỡ bỏ được tấm ảnh này và đổi mật khẩu thì Tĩnh lại tạo một trang Facebook mới, có tên của cô gái rồi tiếp tục đưa tấm ảnh lên. Tĩnh còn “tống tình” người yêu cũ, yêu cầu cô gái vào nhà nghỉ với mình không thì sẽ tiếp tục phát tán ảnh trên Internet.

Tĩnh đang đối diện với án tù, còn cô gái – người yêu cũ của Tĩnh chắc cũng khốn đốn vì nhận được những lời đồn thổi, trêu ghẹo thô tục.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn cho biết, em gái N.T.T.L chính là nạn nhân của một trò đùa vô thức.

Có thể người bạn tên H lúc đầu tiên chỉ cốt trêu đùa và trình diễn kỹ năng ghép hình với bạn bè, nhưng sau khi được bạn bè trên Facebook cổ vũ, H lại tiếp tục “quảng bá” trò đùa của mình. H không thể ngờ được hậu quả tai hại chính là cái chết của người bạn gái.

“Con dao” nhiều lưỡi

Thế giới của Facebook vô cùng cuốn hút nhưng cũng nhiều rủi ro và cạm bẫy. Đó không chỉ là một trò tiêu khiển mà ai muốn vào cũng được, sử dụng kiểu nào tùy thích.

Rất nhiều bạn trẻ hồn nhiên đưa ảnh mình ở các tư thế nhạy cảm chỉ muốn được “khoe chút đỉnh” với nhóm bạn, nhưng sự kết nối khổng lồ của mạng xã hội này đã khiến bức ảnh đó phát tán đi khắp nơi, kéo theo nhiều lời bình luận bậy bạ, thô tục, thậm chí gạ gẫm “làm gái”, “đi khách”...

Trào lưu câu “like” để trở thành các “hot girl”, “hot boy” cũng khiến nhiều bạn trẻ bất chấp cách thức để thu hút thật nhiều sự chú ý. Và không có cách nào nhanh hơn bằng việc phơi thân, đưa các hình ảnh nhạy cảm lên mạng.

Thay vì phê phán, lên án, các “like” vô thức đã thực sự đẩy những nạn nhân đến bờ vực của sự xuống cấp đạo đức. Trong các hào quang ảo của “like”, các em đã không biết rằng, mình đang bán rẻ thân xác và tâm hồn, tình cảm của mình.

Do đưa tất cả các thông tin cá nhân lên mạng, không ít em gái đã trở thành “miếng mồi ngon” của bọn bắt cóc tống tiền, cưỡng hiếp…

Khi thấy bạn bè khác khoe thân, khoe các hình ảnh bạo lực, máu me nhưng lại được like, những em khác tiếp tục phô thân lộ liễu, táo bạo hơn để vượt người đi trước. Em nọ, đua theo em kia mà không hề nghĩ đến hậu quả. Sau một thời làm “hot girl”, có cô gái muốn “rửa tay gác kiếm” quay về làm gái ngoan để lấy chồng, nhưng không thể xóa hết được những bức ảnh tươi mát của mình đã được link khắp nơi trên Facebook.

“Khi gia đình nhìn thấy hình ảnh nhạy cảm của con mình trên mạng cũng không nên vội vàng trách mắng, sỉ nhục con, khiến con bị rối trí, bị cô lập. Bố mẹ cần xác định, cho dù chủ động hay bị hãm hại thì thanh thiếu niên vẫn là nạn nhân của thế giới ảo. Bố mẹ cần bình tĩnh hỏi han con, phân tích cho con rõ hậu quả, để con sớm ý thức được việc làm của mình – ông Chất cho biết.

Trên thế giới Facebook, tất cả ái ố, hỉ nộ của xã hội rộng lớn được thu lại chỉ trên lòng bàn tay, nên thanh thiếu niên cũng thường xuyên đối mặt với các thông tin “rác” như hình ảnh đồi trụy, phim sex, các tin đồn thất thiệt, các lời bình luận tục tĩu, bẩn thỉu.

Theo ông Chất: “Nếu như các em không chuẩn bị tâm lý, không biết cách “lọc rác” thì sẽ dễ bị cuốn theo các hình ảnh xấu”. Không lường trước hậu quả, nhưng khi hậu quả xảy ra lại không có kỹ năng để ứng phó, tâm lý cũng hết sức mong manh, dễ vỡ. Các em sẽ bị rơi vào trạng thái xấu hổ, lo lắng, trầm cảm, học hành giảm sút, bỏ học, tự tử…”

Facebook giống như một gian hàng, chỉ nên bày những “sản phẩm đẹp”, những chuyện vui vẻ, vô thưởng vô phạt. Khi vào Facebook, các em nên tránh đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng như điện thoại, địa chỉ nhà riêng, chuyện gia đình. Cũng không đưa các hình ảnh nhạy cảm lên mạng. Đồng thời, các em cũng nên biết cách “cư xử” cho đúng với bạn bè, không làm tổn thương, bôi xấu lẫn nhau.