11 giờ trưa ngày 1.7, giữa cái nắng oi ả của thủ đô Hà Nội, hơn 50 tình nguyện viên thuộc 20 trường ĐH trên địa bàn Hà Nội đã có mặt tại Trường Đội Lê Duẩn để tiếp đón 52 thí sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt ở Lạng Sơn về Hà Nội dự thi ĐH.
Hoàng Thị Chi (học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Lạng Sơn), dân tộc Mường, xuống dự thi Trường ĐH Luật, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trong đợt thi này, Chi được tình nguyện viên Lê Anh Tuấn (SV Trường ĐH Giao thông -Vận tải) giúp đỡ từ việc đưa đón, hỗ trợ tìm phòng, tới việc hướng dẫn nhận các suất ăn miễn phí. Chi tâm sự: “Bố mẹ đều làm nông nghiệp không có điều kiện đưa em xuống Hà Nội thi ĐH. Em chưa đi Hà Nội lần nào, được sự hỗ trợ từ chương trình khiến em cảm thấy vững tin hơn để thi cử”.
Tuy nhiên, trái với dự kiến ban đầu sẽ hỗ trợ cho khoảng 500 thí sinh, Chương trình “Cùng bạn đi thi năm 2013” của Thành đoàn Hà Nội phối hợp với 3 Tỉnh đoàn là Lạng Sơn, Hà Giang, Ninh Bình chỉ hỗ trợ cho 237 thí sinh.
Giải thích về sự thay đổi này, ông Nguyễn Thiên Tú – Trưởng ban Thanh niên trường học Thành đoàn Hà Nội cho biết: “Mọi thông tin tuyển chọn đều do tỉnh, thành lựa chọn dựa trên hai tiêu chí cơ bản là thí sinh phải là người có hoàn cảnh khó khăn và có học lực tốt”. Thế nhưng, thực tế nhiều thí sinh hoàn cảnh khó khăn không có học lực khá giỏi. Ngoài ra, các tỉnh cũng “ngại” tình trạng chọn nhầm đối tượng. Vì thế, việc xét duyệt khắt khe hơn. Hơn nữa, cũng có tình trạng thí sinh có hoàn cảnh khó khăn không tiếp cận được với chương trình.
Tình nguyện viên Đào Thanh Tùng, sinh viên năm 2 Trường ĐH Tài chính Hà Nội) – đội trưởng đội quản lý, phụ trách hỗ trợ thí sinh cụm Thanh Xuân tâm sự: “Bọn em đi tình nguyện thế này không tiếc gì công sức, chỉ mong có thể hỗ trợ đúng những đối tượng là các em thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có học lực khá. Năm ngoái, chúng em cũng gặp không ít trường hợp thí sinh không thuộc diện con nhà nghèo, học lực không tốt vẫn được nhận sự hỗ trợ. Cá biệt, có những thí sinh cố đăng ký thi đại học vì xem như đó là một chuyến đi du lịch thủ đô cho biết. Nếu như vậy thì cảm thấy tiếc công lắm”- Tùng chia sẻ.
Theo các tình nguyện viên, các tỉnh đoàn sát sao hơn trong việc tuyển chọn là đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao cho các thí sinh khó khăn đều có thể tiếp cận được chương trình. Ông Tú cho biết, việc này phải trông chờ vào sự nhiệt tình và thẩm định tốt từ đoàn thanh niên cấp xã, cấp trường vì chỉ có đoàn cơ sở mới hiểu được hoàn cảnh của từng em để giới thiệu chính xác.
Minh Nguyệt