Dân Việt

Kiểm định khí thải xe máy: Lo mất thêm phí thay phụ tùng

Nguyễn Đức 27/05/2015 17:51 GMT+7
Nếu xe máy không vượt qua việc kiểm tra khí thải, chủ xe phải mất thêm một khoản phí sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng.

Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng Dự thảo “Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy” (gọi chung là xe máy) tham gia giao thông tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Hiện tại, bộ này đang lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan trước khi áp dụng.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay các khoản thu của người dân eo hẹp, kinh tế khó khăn. Do vậy, các khoản thu phí đối với người dân cần có lộ trình, nếu không người dân sẽ oằn lưng “cõng” thêm phí. Như vậy, đời sống của người dân bị ảnh hưởng, nhất là đối với người dân nghèo.

 

img

 Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội 

“Tôi không phản đối việc kiểm soát khí thải đối với xe máy, nhưng khi làm phải có lộ trình cho phù hợp. Tôi thấy nên lùi việc kiểm soát khí thải xe máy đến năm 2020 mới thực hiện. Đến thời điểm đó, kinh tế, đời sống của người dân nâng cao, sẽ phù hợp hơn”, ông Liên nói.

Ông Liên cho hay, hiện tại, người dân đang phải chịu phí nhập khẩu, phí bảo vệ môi trường qua giá xăng, phí trước bạ, nếu giờ thêm khoản phí kiểm định khí thải xe máy nữa thì phí sẽ chồng lên phí. Mặt khác, việc làm này sẽ không có tác dụng thúc đẩy kinh tế xã hội.

Hiện nay giao thông công cộng ở Việt Nam chưa phát triển nên xe máy vẫn là phương tiện chính của người dân. Mặt khác, khí thải xe máy không phải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Ngoài khí thải xe máy, các yếu tố gây ô nhiễm phải kể đến tình trạng vứt rác thải bừa bãi, khói ở các nhà máy nhiệt điện, lò than, các khu công nghiệp…

img

Từ năm 2018, người dân phải kiểm định khí thải xe máy mới được lưu 

Ông Phạm Văn Tiếp (42 tuổi), ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, xe máy có niên hạn 5 năm phải mang đi kiểm định khí thải chưa thực sự khả thi. Ông cho hay, với người sử dụng các dòng xe máy đời mới thì việc bảo trì, dưỡng xe sẽ không phải là vấn đề lớn.

Tuy nhiên, đối với những người có xe cũ thì không dễ để họ bỏ thêm một khoản tiền thay thế phụ tùng, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Thêm nữa, ở các thành phố lớn, hiện nay, lượng người sử dụng xe máy cũ không phải là con số nhỏ, vậy nên đây cũng là một vấn đề cơ quan chức năng cần phải cân nhắc kỹ.

Có 6 năm kinh nghiệm làm nghề sửa xe, anh Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên sửa xe máy trên đường Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, xe máy khi đi phát ra khói đen ở ống xả là do lọc gió, bộ chế hòa khí bẩn. Nếu khách không mang đi vệ sinh hai bộ phận này thì khói đen sẽ nặng thêm. Chí phí vệ sinh lọc gió, bộ chế hòa khí dao động từ 150-200.000 đồng.

“Thực tế qua nhiều năm sửa xe tôi thấy, xe máy có niên hạn 5 năm thường phải mang đi bảo dưỡng, vệ sinh lọc gió, bộ chế hòa khí. Như vậy, ngoài chi phí kiểm định hết khoảng 150.000 đồng thì khách có thể phải bỏ thêm khoảng 200.000 đồng chi trả cho việc vệ sinh, bảo dưỡng thêm. Thậm chí, đối với xe máy bị hỏng lọc gió, bộ chế hòa khí phải thay mới sẽ phải mất hàng triệu đồng”, anh Tùng nói.

Anh Tùng cho biết thêm, nếu như chủ phương tiện mang xe máy đi kiểm tra khí thải phải mất thêm một khoản chi phí phát sinh cho việc vệ sinh máy móc thì người dân khó chấp nhận. Đối với gia đình có điều kiện kinh tế khá thì không vấn đề gì, nhưng đối với gia đình còn khó khăn lại là vấn đề lớn.

 

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải trước tiên tại Đà Nẵng. Từ 1.7.2018 áp dụng kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy trên 10 năm sử dụng. Từ ngày 1.7.2019 áp dụng với xe trên 5 năm sử dụng.

Tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ, từ ngày 1.7.2020 đối với xe trên 10 năm sử dụng. Từ ngày 1.7.2021, bắt buộc đối với xe trên 7 năm sử dụng, xe có đăng ký lần đầu từ trước ngày 1.7.2014. Từ ngày 1.7.2022, bắt buộc đối với xe trên 5 năm sử dụng, xe có đăng ký lần đầu từ trước ngày 1.7.2017.