Trung tâm dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, bắt đầu từ ngày 27.5, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây hoạt động với cường độ mạnh, tiết trời miền Bắc và miền Trung nóng nực hơn. Nhiệt độ đã tăng cao, một số nơi ở vùng núi tỉnh Nghệ An đã lên trên 40 độ C.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo ngắn hạn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong các đợt nắng nóng gay gắt, vào thời điểm buổi sáng, mặt trời chưa lên cao nên nắng nóng chưa gay gắt.
“Tuy nhiên, đến buổi trưa, mặt trời lên đến đỉnh, sự bức xạ giữa mặt trời và khu vực mặt đất lớn nên nắng nóng gay gắt hơn. Thời điểm từ 13-15h là khung giờ nắng nóng nhất trong ngày. Dự báo, trong khung giờ này, tại vị trí Láng, Hà Nội, nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C. Do vậy, người dân nên hạn chế ra ngoài, làm việc ở ngoài trời vào khung giờ này”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết, lúc 13h ngày 28.5, nhiệt độ đo được tại lều quan trắc khí tượng ở Hà Nội là 38 độ C; TP. Vinh, tỉnh Nghệ An 40 độ C; Hải Phòng 37 độ C; Đà Nẵng 38 độ C; TP, Việt Trì Phú Thọ 38 độ C…
Dự báo, nhiều khả năng vào đêm về sáng ngày 31.5, sẽ có một đợt không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường yếu xuống miền Bắc. Thời tiết có mưa, mưa rào và dông rải rác. Nhiệt độ hạ xuống, nắng nóng giảm dần rồi chấm dứt. Riêng các tỉnh Trung Bộ nắng nóng còn kéo dài hơn và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người say nóng có dấu hiệu mệt mỏi, yếu cơ, suy nhược, nôn và buôn nôn, đau đầu và đau cơ, hoa mắt… Người bị say nắng, say nóng có thể bị biến chứng như tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, kiềm hô hấp, suy thận cấp…
Bác sĩ Quân khuyến cáo, phụ huynh không để trẻ chơi và đi ngoài nắng. Đặc biệt, cha mẹ phải cho trẻ mặc quần áo thoáng, dễ bay hơi nước, không hấp thụ nhiệt, hạn chế trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, uống đủ nước và điện giải…Người dân cũng nên mặc áo chống nắng, đội mũ khi đi ra ngoài nắng.