Thu nhập bình quân đạt 30 triệu/người/năm
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Trì, trong 4 năm qua, huyện đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo được trên 125km đường giao thông nông thôn, đặc biệt đã phát huy và nhân rộng mô hình “nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng ngõ xóm” với tổng diện tích hiến đất 8.110m2 đất, đóng góp được 207.482 ngày công lao động.
Đáng chú ý, huyện đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế hàng năm với tổng kinh phí hơn 23,6 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ đầu tư 92 máy phục vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung có hiệu quả cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt gần 30 triệu đồng/người.
Giải quyết các kiến nghị của dân
Đánh giá về những kết quả mà huyện Thanh Trì đạt được trong Chương trình xây dựng NTM vừa qua, bà Ngô Thị Thanh Hằng đã đánh giá cao việc thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành 10/15 xã đã đạt NTM, là huyện đứng thứ 2 của thành phố về số xã xây dựng NTM. Đặc biệt, theo bà Hằng, các xã được đầu tư xây dựng đường làng ngõ xóm khang trang, nhiều công trình phục vụ cho phát triển văn hoá, thể dục thể thao được quan tâm xây dựng và phục vụ có hiệu quả cho người dân. Hệ thống trường giáo dục, các trạm y tế được chú trọng.
Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng đã giao huyện Thanh Trì, từ nay đến cuối năm 2015 cần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ giải pháp một cách đồng bộ. Trước mắt, huyện cần tuyên truyền đến người dân tham gia xây dựng NTM ở tất cả các xã, rà soát lại các khó khăn thực hiện đúng tiến độ các tiêu chí, phân công rõ trách nhiệm đến từng cán bộ để triển khai nhiệm vụ. Cần huy động các nguồn lực khác nhau vào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiếp tục tiêu chí về môi trường, xây dựng đời sống văn hoá trong các khu dân cư. Ngoài ra huyện cần chú trọng giải quyết các kiến nghị chính đáng ở người dân, trong đó có nội dung về xây dựng trường mầm non, trường học, trụ sở làm việc…
Về phát triển kinh tế, bà Hằng lưu ý, Thanh Trì cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và tiếp tục triển khai đề án bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống các con sông, hồ trên địa bàn…