Thuế thuốc lá quá thấp
Việt Nam đã tham gia Công ước khung về PCTHTL từ ngày 11.11.2004. Từ đó đến nay, Việt nam đã cam kết thực thi các biện pháp nhằm kiểm soát nguồn cung cấp và giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như xây dựng môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh trên vỏ bao thuốc, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác PCTHTL.
Đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung của Văn phòng Chương trình PCTHTL (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá nam giới giảm 9% (từ 56,1% năm 2001 xuống còn 47,4% năm 2010); tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên độ tuổi từ 13-15 giảm từ 3,3% năm 2007 xuống còn 2,5% năm 2014, tỷ lệ hút thuốc ở nữ sinh giảm từ 1,2% xuống còn 0,2%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà của học sinh là 47,5%, phơi nhiễm khói thuốc tại địa điểm công cộng trong nhà là 66,5%. Tuy vẫn còn cao nhưng đã giảm so với năm 2007.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thiết lập mạng lưới PCTHTL, quy định cấm quảng cáo thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ thuốc, tổ chức các lễ cam kết môi trường không khói thuốc tại các tỉnh, các bệnh viện, cơ quan, trường học…
Vi phạm luật vẫn cao
Trong 2 năm 2014 và 2015, Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Hội Y tế công cộng Việt Nam tiến hành nghiên cứu “Đánh giá tình hình thực thi Luật PCTHTL” trên địa bàn 6 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp và Bạc Liêu. Kết quả thu được cũng so sánh với nghiên cứu tương tự được thực hiện giai đoạn 2009-2011. Tuy nhiên mới chỉ có 3 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Khánh Hòa hoàn thành thu thập số liệu. Tại 3 tỉnh này không phát hiện các quảng cáo ngoài trời về thuốc lá, không ghi nhận bất cứ tài trợ nào của các công ty thuốc lá. Tuy nhiên tại địa điểm bán, tình trạng vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và vi phạm về quy định trưng bày thuốc lá diễn ra rất phổ biến. Tỷ lệ vi phạm chung các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại các điểm bán thuốc lá tại Hải Dương có chiều hướng giảm theo thời gian (năm 2011 là 97%, năm 2014 là 90,6%, năm 2015 chỉ còn 77,5%). Còn Thái Bình và Khánh Hòa, tỷ lệ vi phạm gần như không thay đổi. Thái Bình năm 2011 là 95%, 2014 là 85,9%, năm 2015 là 91,5%. Khánh Hòa tương đương 100%, 96,5%, 96,5%.
Trong các loại hình vi phạm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại điểm bán, vi phạm về quy định cấm trưng bày quá 1 bao, 1 tút, 1 hộp của 1 nhãn hiệu thuốc lá là phổ biến nhất (Hải Dương 90,9%, Khánh Hòa 78%, Thái Bình 70,5%). Ngoài ra, tỷ lệ các điểm bán lẻ các bao thuốc có in chữ: “Nhẹ”, “êm”, “ít nicotin” bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh cũng khá phổ biến- vi phạm khoản 2d Điều 15 Luật PCTHTL: “Không được sử dụng từ làm người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có tác hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe”. Tỷ lệ vi phạm các quy định cấm khuyến mại thuốc lá tại điểm bán có xu hướng giảm sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực đã giảm ở Hải Dương và Khánh Hòa nhưng lại tăng lên ở Thái Bình. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Tỷ lệ vi phạm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá hiện nay chưa thực sự giảm so với thời điểm trước khi luật được ban hành”.
Ngoài ra, trong Luật PCTHTL cũng quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi nhưng các điểm bán thuốc lá chưa thực hiện nghiêm túc. Các quầy bán đều dán dòng chữ “Cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” song kích thước rất nhỏ, dán ở chỗ khó quan sát, tạm bợ. Thực tế cho thấy việc thực hiện quy định này cũng còn nhiều hạn chế.