Thà chết còn hơn bất lực
Sau một thời gian thấy “chỗ đó” của mình to lên trông thấy, tiểu khó, tiểu rắt liên tục, anh Trần Văn Minh (46 tuổi, Thanh Hóa) đi khám và được tin sét đánh “anh bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn 2”. Ca phẫu thuật của anh thành công, tuy nhiên, sau đó anh trải qua đợt xạ trị dài, cho dù sức khỏe không còn bị đe dọa nhưng chức năng sinh lý đàn ông bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, vợ anh mới 40 tuổi, vẫn còn nhu cầu yêu đương. Vì vậy, cho dù sống khỏe nhưng anh Minh luôn cảm thấy buồn bã, khổ sở.
Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc UTTLT ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Ước tính hàng năm có gần 1.300 ca mắc mới (tỷ lệ 3,4/100.000 dân) và gần 900 ca tử vong. “Là bệnh nhạy cảm, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của đàn ông nên nhiều người giấu bệnh, chỉ đi khám khi u đã to, đi lại khó khăn hoặc đái rắt, đái buốt. “Đến lúc đó thường bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2-3, rất khó khăn cho điều trị, thậm chí phải cắt bỏ cả tinh hoàn” – TS Vệ chia sẻ.
Cứu cánh
GS-TS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ trước đến nay, điều trị UTTLT bao gồm các biện pháp phẫu thuật, cắt lạnh, nội tiết (cắt bỏ tinh hoàn bằng phẫu thuật hoặc bằng thuốc), hóa chất, xạ trị. Tuy nhiên, việc phẫu thuật hoặc xạ trị có thể cứu sống bệnh nhân nhưng hầu hết cánh đàn ông đều lâm vào tình trạng “liệt súng”, chất lượng sống giảm sút.
Hiện nay, Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu vừa triển khai áp dụng kỹ thuật điều trị UTTLT bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ. Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay trong điều trị UTTLT, lần đầu tiên được ứng dụng thành công tại Việt Nam. Các bác sĩ Bạch Mai đã được các chuyên gia Mỹ chuyển giao kỹ thuật này. Với phương pháp này, các hạt phóng xạ với kích thước rất nhỏ, được đưa vào các tổ chức khối u qua đường hậu môn, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ mà không hoặc ít ảnh hưởng tới các u lành xung quanh. “Thay vì phải điều trị 6-8 tuần như các phương pháp xạ trị chiếu ngoài thì cấy hạt phóng xạ chỉ cần điều trị 1 lần, bệnh nhân có thể ra viện sau 1-2 ngày và tái khám định kỳ. Các hạt phóng xạ sẽ nằm trong khối u và liên tục tiêu diệt các tế bào ung thư” – TS Khoa cho biết.
Theo TS Khoa, ưu điểm đặc biệt nổi trội của phương pháp này là không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của đàn ông. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này chỉ áp dụng cho các ca UTTLT ở giai đoạn 1. Các giai đoạn sau vẫn phải áp dụng phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị…
Phương pháp cấy hạt phóng xạ có thể sẽ sớm được đưa vào ứng dụng điều trị ung thư vú, ung thư gan.