No bụng, bớt nhọc nhằn
Đã hơn năm nay, chị Lò Thị Nguyễn ở bản Nậm Nèn 2 chuyển diện tích trồng ngô sang trồng cây dong riềng, chỉ mùa đầu tiên đã mang lại lợi nhuận gấp đôi, trong khi công chăm sóc lại ít hơn. Chị Nguyễn bảo: “Trước đây, cùng đám đất bên rìa hông nhà, tôi trồng ngô chỉ được mấy bao, bán ra chẳng được bao nhiêu, nhưng từ lúc trồng dong riềng, đã thu được hơn 3,5 tấn, mang lại thu nhập hơn 3 triệu. Năm đầu tiên lại còn được hỗ trợ phân, giống và có người mua tận nơi, thuận lợi hơn nhiều. Năm nay dù không được hỗ trợ nữa tôi cũng để dành một ít để làm giống và chuyển hẳn những mảnh nương đang trồng ngô sang trồng dong riềng”.
“Thấy rõ hiệu quả của mô hình, xã đã xác định đây là một trong những cây trồng góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, nên tiếp tục vận động người dân tham gia. Đến nay diện tích đăng ký trồng đã lên tới 102ha với sự tham gia của 335 hộ, tăng 25,8ha, 42 hộ so với năm 2014” – ông Quỳnh cho hay.
“Mở khóa” tư duy
Ông Lò Văn Quỳnh chia sẻ: “Toàn xã có 559 hộ, 2.665 khẩu với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi năm gieo cấy 40ha lúa chiêm xuân, 330ha ngô và 65,5ha nương lúa... Thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình được 8 triệu/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới 56,71%. Con số này đủ nói nên cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn đến mức nào”.
Để tìm hướng thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn như vừa qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp, loại bỏ lối canh tác lạc hậu, tập quán du canh, du cư; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như 134, 135, dự án giảm nghèo, các công trình kênh mương, thuỷ lợi đã được xây dựng, sửa chữa như kênh mương bản Nậm Nèn 1, 2 dài gần 1km, phục vụ nước tưới cho hơn 20ha ruộng 2 vụ; mương dẫn nước bản Nậm Cút dài 560m phục vụ nước tưới cho 10ha ruộng lúa 2 vụ.