Dân Việt

Xin đừng “xẻ thịt” thốt nốt

Tấn Kiên 31/05/2015 07:00 GMT+7
Hàng chục ngàn cây thốt nốt ở Bảy Núi từ lâu được xem là biểu tượng, là cây xóa nghèo của nhà nông nơi xứ núi An Giang. Nhiều gia đình nhờ thốt nốt mà có nguồn thu nhập ổn định.

 Tuy nhiên, do chạy theo phong trào mà nhiều người chấp nhận bán cây thốt nốt cho cánh thương lái mua về xẻ gỗ hoặc làm kiểng. Họ vô tư bán cây đang khai thác lấy nước làm đường thốt nốt với giá dao động từ 500.000 – 1 triệu đồng/cây.

img
Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều hộ dân Bảy Núi  chấp nhận bán cây thốt nốt với giá rẻ mạt. Ảnh: Tấn Kiên
Anh Chau Thương ở xã Tân Lợi (huyện Tịnh Biên) cho hay: “Ở đây, do cần tiền nên nhiều người muốn bán thốt nốt cây để lấy tiền xoay xở cuộc sống hàng ngày. Kế bên nhà tôi, nhà hàng xóm mới vừa bán hết mấy chục cây thốt nốt, thấy cũng ham. Bán bao nhiêu cũng có người mua, quan trọng là giá cả thỏa thuận giữa đôi bên”. Còn anh Chau Tranh ở thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) thì chua xót: “Một cây thốt nốt từ khi mới trồng đến khi cho được nước và trái thì mất ít nhất không dưới 20 năm. Bán một cây có vài trăm đến một triệu đồng tính ra quá uổng phí”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - cán bộ Hội Nông dân tỉnh An Giang, người gắn bó với các mô hình làm đường thốt nốt của nông dân Bảy Núi cho biết: “Đa số nông dân bán cây thốt nốt không nghĩ đến lợi ích kinh tế có tính bền vững. Để có một cây thốt nốt cho thu hoạch (nước và trái) thì phải mất thời gian đầu tư rất dài mà họ không tính tới; hay nói cách khác, thời gian chính là tiền bạc, là giá trị mà họ không tính ra được”.

Liên quan đến vấn nạn này, ông Ngô Hồng Yến - Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên lo ngại rằng: “Tình trạng người dân mua bán cây thốt nốt thì không thể cấm dược, vì đây là loại cây ăn trái, cây của họ, họ có quyền bán. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã và đang nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con nông dân không nên bán cây đang khai thác (nước và trái) mà chỉ nên bán những cây đực (cây chỉ có trái không có nước), cây già cỗi, năng suất thấp”.