Dân Việt

“Đừng làm nửa vời để biến mình thành khác biệt”

Đăng Thuý (thực hiện) 01/06/2015 06:43 GMT+7
“Trưng cầu ý dân là việc phải làm, có thể trong lộ trình chúng ta còn có nhiều điều chỉnh, nhưng đừng làm nửa vời để rồi biến mình thành cái gì đó đặc thù, khác biệt”-  đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc trả lời PV NTNN trước khi QH thảo luận về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân trong tuần này. 

Tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.Theo ông luật này có vai trò như thế nào đối với đời sống nước ta hiện nay?

- Trưng cầu ý dân được hiểu là lấy ý kiến của người dân để quyết định một vấn đề nào đó dựa trên ý kiến đa số. Đây là một phương thức rất phổ biến ở nhiều nước. Tôi đã có cơ hội được đi với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An sang Thụy Sĩ- đất nước sử dụng Luật Trưng cầu dân ý rất phổ biến. Họ thừa nhận rằng, trưng cầu dân ý có cái hay là dồn trách nhiệm sang cho người dân, tuy số đông thường chứa đựng yếu tố bảo thủ, bởi những tư tưởng mới, thay đổi, tiên tiến bao giờ cũng bắt đầu từ số ít.

img
Đã đến lúc chúng ta cần ban hành Luật Trưng cầu ý dân (ảnh minh họa).Ảnh:  i.T

Nhưng số đông - người dân cũng có lý vì họ hoàn toàn quyết định dựa theo nhận thức của mình, nên những quyết định thông qua trưng cầu dân ý thường bảo thủ hơn và người dân phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Tôi lấy ví dụ ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), người dân không đồng ý cho máy bay hạ cánh sau 5 giờ chiều, bởi nó gây phiền phức, ồn ào cho đời sống của họ. Nên người ta đưa ra giải pháp là phải di chuyển sang một thành phố khác gần đấy, nhưng thuộc nước Pháp để đi máy bay. Tuy nhiên càng về sau người ta càng nhận thấy việc bay đêm rất có lợi về kinh tế, nhưng vì chính họ đã quyết định như thế nên họ phải chịu trách nhiệm và cuối cùng cũng phải tính toán lại.

Theo tôi, vấn đề còn lại và quan trọng nhất là việc gì mới được trưng cầu dân ý và cấp nào mới được trưng cầu dân ý? Tôi lấy ví dụ, một di tích lịch sử cần được bảo tồn, người ta làm một cuộc triển lãm đưa ra các phương án khác nhau để người dân trong khu vực hoặc người dân theo tín ngưỡng ấy có thể đến đóng góp ý kiến. Tôi cho rằng đấy là phương thức cần phải phát huy, phải có tổ chức và người dân cũng phải làm quen dần với tập quán này, bởi nó thể hiện sự trách nhiệm, nhận thức và kỹ năng của người dân với các vấn đề hệ trọng.

Đây không phải là vấn đề đơn giản vì thế mà trưng cầu dân ý đã bị “treo” hơn 70 năm nay (trưng cầu dân ý đã được quy định trong Hiến pháp 1946-PV) chưa thể thực thi được.

Thưa ông, nhưng có nhiều băn khoăn cho rằng, thể chế chính trị của Việt Nam khác với các nước nên trưng cầu dân ý vì thế cũng sẽ khác. Theo ông, chúng ta có nên xây dựng những quy định riêng để phù hợp với xã hội Việt Nam hơn không?

-Không nên nhấn mạnh cái “khác biệt” ở đây. Tại sao Việt Nam lại khác các nước? Cho dù phương thức, thể chế, cơ chế khác nhưng nhu cầu của người dân làm sao khác nhau được. Tôi chưa nói đến cái riêng cái chung, nhưng trước hết chúng ta cứ phải bàn đã, chúng ta đang hội nhập với thế giới, chúng ta phải có lộ trình để đạt được như thế giới tiên tiến dân chủ chứ không nhân danh sự đặc thù của chúng ta. Đặc thù chỉ có lý do là nó phù hợp với hoàn cảnh nhất định của lịch sử và sắc thái văn hoá mà chúng ta bảo tồn.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên có trưng cầu dân ý và trong quá trình làm chúng ta sẽ rút kinh nghiệm, điều chỉnh, sửa đổi để những tập quán trong đời sống xã hội sẽ mang đến những mặt tích cực.

Trước đây chúng ta cũng đã từng hỏi ý kiến của nhân dân nhưng kết quả không rõ ràng. Nếu trưng cầu dân ý được thực thi, tính hiệu lực sẽ như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng, trưng cầu dân ý phải có quy trình và lá phiếu của người dân là quyết định. Lâu nay chúng ta hỏi ý kiến người dân nhưng có ai giám sát xem kết quả lấy ý kiến đó được sử dụng ra sao đâu. Theo tôi là khi có kết quả trưng cầu dân ý thì phải thực thi. Tôi cho là đã làm thì đừng làm nửa vời, trừ những trường hợp nào đó đặc biệt mà chúng ta phát hiện ra có vấn đề giám sát chưa được tốt. Tôi vẫn muốn nhắc lại, trưng cầu dân ý phải đi vào đời sống, tập quán và sắc thái văn hoá của người dân. Nhưng người dân cũng phải làm quen dần, nâng cao kỹ năng, trách nhiệm của mình.

Có thể trong lộ trình ấy, chúng ta có những giải pháp, nhưng cuối cùng chúng ta phải như thế nào chứ đừng biến mình thành cái gì đó đặc thù, khác biệt. Với Việt Nam đây là luật mới, chúng ta đang đi những bước đầu tiên, nên khó tránh khỏi những băn khoăn. Mục tiêu là chúng ta phải học những cái hay, cái tốt của các nước tiên tiến.

Theo ông làm thế nào để trưng cầu dân ý không trở thành hình thức?

- Trước hết, chúng ta phải làm đã chứ đừng bàn nhiều quá. Thứ hai, chúng ta phải nâng cao trình độ giám sát của người dân, để đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra việc lựa chọn những vấn đề nào để trưng cầu dân ý, cũng phải bàn kỹ lưỡng. Những vấn đề đó phải liên quan đến số đông, còn những vấn đề chỉ liên quan đến một bộ phận nào đó trong xã hội thì chúng ta phải tính toán xem cách thức như thế nào.Tuy nhiên, dù làm phương thức nào cũng đảm bảo phải phản ánh được ý nguyện của người dân.

Rõ ràng sẽ còn phải bàn nhiều về Luật Trưng cầu ý dân, nhưng cá nhân ông có lạc quan rằng luật này sẽ được thông qua và người dân sẽ phải thay đổi như thế nào khi họ được quyết định nhiều hơn?

- Tôi cho rằng bắt buộc phải làm, Quốc hội có rồi, hiến pháp có rồi tại sao chúng ta không làm trưng cầu dân ý được? Nhưng tôi cho rằng, sẽ còn có những khó khăn, chúng ta chưa quen. Các nước trình độ phát triển không hơn chúng ta bao nhiêu nhưng họ đã làm trước chúng ta lâu rồi.

Về phía người dân phải có trách nhiệm hơn, và hiểu biết hơn bởi trưng cầu dân ý phản ánh đúng trình độ dân trí, kỹ năng của người dân. Nhất là khi người dân phải hiểu rõ được tầm quan trọng rằng những lá phiếu của mình ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình.

Xin cảm ơn ông!

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Do đó, trong luật nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân. 

Theo đó, những vấn đề đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của QH nhưng QH tôn trọng dân quyết định.  

167 vùng lãnh thổ và quốc gia đã có trưng cầu ý dân 

Theo  Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc là một trong những tư tưởng được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Trong những năm vừa qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống. “Luật Trưng cầu ý dân sẽ phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước” – ông Quyền nêu. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho hay đã có 167 trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết.