Dân Việt

Đưa nhạc kịch đến gần khán giả

Mai An 01/06/2015 07:58 GMT+7
Trở về từ cuộc thi nghệ thuật ca múa nhạc toàn quốc bế mạc vào ngày 27.5 tại Thái Nguyên với giải đặc biệt cho vở nhạc kịch “Cô Sao”, đạo diễn Huyền Nga chia sẻ: “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là nhạc kịch rồi sẽ hết cảnh “áo gấm đi đêm”. 

Vác tiền nhà ra dựng vở

Nữ đạo diễn Huyền Nga vui vẻ khoe với chúng tôi: “Vở nhạc kịch “Cô Sao” đã được giải đặc biệt của liên hoan và 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc cho cá nhân các nghệ sĩ tham gia vở. Niềm vui này là một động lực lớn cho các anh chị em nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam bởi bấy lâu nay, chúng tôi luôn chịu thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp ở các đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp”.

img
Đạo diễn Huyền Nga (áo dài) và các diễn viên trong vở “Cô Sao” tại Cuộc thi ca múa nhạc toàn quốc tại Thái Nguyên tháng 5.2015. ảnh nhân vật cung cấp
Quả thật, đó là nỗi buồn mà ai đã bước chân vào con đường nhạc kịch đều phải nếm trải. Ca sĩ hát dòng opera bao giờ cũng phải khổ luyện, vất vả gấp nhiều lần ca sĩ các dòng nhạc khác, họ luôn phải đầu tư công sức, thời gian mới làm tròn một vai diễn trong nhạc kịch, thế nhưng tiếc thay, ở Việt Nam, nghệ thuật này lại rất kén khán giả.

 

Huyền Nga quyết tâm dựng vở nhạc kịch “Cô Sao” và mang đi tham dự cuộc hội diễn lần này cũng bắt nguồn từ một duyên nợ của cá nhân chị. Đây chính là vở diễn tốt nghiệp khoa Đạo diễn Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh năm 2011 của chị. Hồi đó, thầy hướng dẫn, bạn cùng học khuyên Nga: Thôi, dựng vở “Cô Sao” làm gì, tốn kém biết kể thế nào cho hết, chọn một vở kịch xinh xinh chỉ có 2 nhân vật cũng được mà... Thế nhưng không ai ngăn được quyết tâm của chị.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia, về công tác ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Huyền Nga đã từng được mời cộng tác với rất nhiều đạo diễn từ Thụy Điển, Đức, Áo... để làm trợ lý. Nhưng dù thành công đến đâu, chị vẫn thấy buồn, bởi toàn bộ những vở nhạc kịch đó đều là của nước ngoài, Huyền Nga ước mơ sẽ có ngày tự chị được dàn dựng một vở diễn bằng tiếng Việt, của nhạc sĩ Việt Nam và các ca sĩ hát bằng tiếng Việt, phục vụ khán giả trong nước.

Chọn vở “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, chị không có gì trong tay ngoài bản phân phổ cho piano giấy đen nhòe. Huyền Nga đã tìm đến gia đình nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhờ ông khôi phục lại bản tổng phổ cho vở nhạc kịch. Và giống như công việc mà chị gọi vui là “đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng”, sau 5 tháng “vật vã”, vở diễn đã thành công rực rỡ, mang về số điểm 9,5 và tấm bằng loại xuất sắc cho đạo diễn.

Căn vặn mãi, Huyền Nga mới chịu tiết lộ, vở diễn đã tiêu tốn của ngân sách gia đình chị 400 triệu đồng, ấy là còn chưa kể, để tiết kiệm, đích thân nữ đạo diễn đã lăn vào lo từng chi tiết của trang trí thiết kế sân khấu theo kiểu “tăng xin, giảm mua”. Hỏi chị sao lại... dại dột thế, vác tiền nhà để dựng một vở diễn trong khi có nhiều cách để có vở tốt nghiệp với một chi phí chỉ bằng 1/10, Huyền Nga chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ và mơ một cơ hội để được làm nghề chứ không chỉ cần một tấm bằng khi ra khỏi trường. Tôi quyết tâm dựng vở “Cô Sao” vì nghĩ đến nhạc kịch nước nhà, chúng ta có những viên ngọc, nhưng nó đang bị vùi lấp, đó là điều đáng tiếc”.

Nỗi tủi thân nghề nghiệp

Thực sự trăn trở với nỗi niềm, làm sao để nhạc kịch đến gần hơn với khán giả, làm sao để có thể gạt bỏ được định kiến “đó là món giải trí bác học, cho giới thượng lưu”, Huyền Nga đã có bao nhiêu ưu tư. Thương mình, thương anh chị em đồng nghiệp, bởi mặc dù hết sức vất vả trong tập luyện, dàn dựng một vở nhạc kịch nhưng họ rất ít có cơ hội để thi thố để có huy chương, chưa kể, khán giả lại chẳng mấy mặn mà.

May là với vở “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Huyền Nga đã bắc được một nhịp cầu đến gần với khán giả hơn. Không chỉ khiến khán giả thủ đô và các nhạc sĩ lão thành như nhạc sĩ Hoàng Vân, đạo diễn Văn Hà... hết lời khen ngợi, đem vở diễn lên Sơn La, Thái Nguyên, chị cũng nhận được những cái nắm tay nồng ấm của khán giả. Có những bà mế đã nói với Huyền Nga: “Mế đã khóc khi xem vở diễn này, các con hát hay, múa tài, diễn giỏi quá”. Có anh cán bộ ở Trung tâm Văn hóa Sơn La đã gợi ý để được đem trang phục đến đóng góp cho các nhân vật trong vở diễn bởi quá yêu quý đoàn. Huyền Nga bảo đó là những tình cảm quý giá nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của chị.

Trở về từ cuộc thi toàn quốc với những thành công mới trong sự nghiệp, nhưng Huyền Nga vẫn không giấu được sự trăn trở. Chị tâm sự: “Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Một vở diễn tâm huyết và biết bao nhiêu sức lực của cả tập thể, nhưng ngoài những lần đi thi thế này, chúng tôi có rất ít cơ hội được trình diễn trước khán giả. Tôi chỉ mong được đưa vở diễn đến với nhiều nơi trên đất nước, để khán giả được xem và tự hào với vở nhạc kịch đầu tiên của đất nước mình, thế nhưng lực bất tòng tâm, bởi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước chứ cá nhân tôi hay nhà hát đều không làm nổi”.

18 năm gắn bó với Nhà hát Nhạc vũ kịch cũng là những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân, Huyền Nga không chọn làm ca sĩ mà đứng lui sau hậu đài dù biết con đường của một nữ đạo diễn opera là vô cùng vất vả. Nhưng tôi biết chắc chắn Huyền Nga sẽ không dừng lại, không chịu chấp nhận sự thiệt thòi của nghề nghiệp mà sẽ bật lên để tìm hướng đi. Và rồi chị sẽ thành công.


Nữ đạo diễn Huyền Nga sinh năm 1977 tại Hà Nội, trong năm 2007 và 2008 chị được Nhà hát Norrlands Operans tại Thụy Điển mời tham gia 2 vở cùng các solist hàng đầu Thụy Điển và Nam Phi. Chị là diễn viên Việt Nam duy nhất được mời đóng vai Schwertleite trong vở “Die Walküre” của Wagner cùng các solist đến từ Singapore, Mỹ và Ý tại Bangkok Opera.