Từ TX. Cao Bằng, vượt qua gần 30 cây số đường rừng xen lẫn con đường rải nhựa, chúng tôi có mặt ở trung tâm xã Bắc Hợp. Đường từ trung tâm xã vào các bản, nhiều tuyến đường đã được bê tông hóa, nhưng cũng bắt đầu… xuống cấp.
Xây dựng đường giao thông nông thôn là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn ở xã Bắc Hợp. |
Bản mới, nhưng… chưa mới
Dẫn chúng tôi lên xóm mới Minh Long, ông Mã Quang Tuyến- Bí thư Đảng ủy xã Bắc Hợp cho biết: "Được sự hỗ trợ từ Chương trình 134, năm 2005, cán bộ xã đến từng hộ dân ở bản Lũng Nặm, nằm chót vót trên những đồi dốc cao, để vận động bà con hạ sơn. Sau 2 năm tích cực động viên, thuyết phục, 100% hộ đồng bào dân tộc Mông đã xuống núi lập xóm mới với tên Minh Long.
Nơi ở mới của bà con người Mông được nhà nước, chính quyền đầu tư đất, nhà ở, điện và công trình nước sạch. Tiếp đó, trong 2 năm 2007-2008, xóm Pù Lầu cũng đã hạ sơn, thoát khỏi cảnh nằm cheo leo, trải dài dọc sườn núi Pả Sa.
Tuy nhiên, theo ông Mã Quang Tuyến: "Ở những xóm mới thành lập như Minh Long, bà con còn thụ động bởi phong tục, tập quán, tính cố kết cộng đồng đã ăn sâu, bám rễ. Thậm chí, hiện nay, người Mông ở Minh Long còn chưa có thói quen trồng cỏ, nuôi bò. Do đó, việc quy hoạch lại làng, bản không thể làm một sớm, một chiều và sẽ không thể thành công nếu chưa thay đổi phong tục tập quán của đồng bào và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất".
Trên cở sở đó, xã Bắc Hợp đã đề ra hướng đi mới trong việc quy hoạch làng, bản của Bắc Hợp trong thời gian tới, đó là sẽ tập trung các hộ ở 2 bên quốc lộ 34, đường liên xã, liên huyện và đan xen 2-3 đồng bào dân tộc trong cùng một làng, một bản để có sự cạnh tranh lành mạnh trong việc phát triển kinh tế, xóa nghèo, tiến tới làm giàu.
Đột phá đường giao thông
Hiện nay, toàn xã Bắc Hợp có 307 hộ dân với 1.287 nhân khẩu trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 34%. Thực tế, việc phân bố 5 đồng bào dân tộc anh em bao gồm Tày, Nùng, Mông, Dao và Kinh ở 8 xóm trong xã với địa hình núi cao là một rào cản để phát triển kinh tế- xã hội. Chính vì thế, trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội, Bắc Hợp coi xây dựng đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng là khâu đột phá.
Ông Mã Quang Tuyến
Chị Cao Thị Liễu, cán bộ xã Bắc Hợp cho biết: "Từ năm 2008 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của chương trình cải thiện dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn (PS-ARD), Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng đã phân bổ khoảng 40-50% số vốn của dự án tập trung vào làm đường giao thông nông thôn, nội đồng.
Được biết, năm 2010, xã Bắc Hợp đã được PS- ARD đầu tư, phân bổ 220 triệu đồng trong đó đã mở mới đường liên xóm Tà Sa chiều với dài 3km, tổng số vốn đầu tư 90 triệu đồng; còn lại đầu tư vào công trình nước sạch, hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo...".
Ông Mã Quang Tuyến nhận xét: "Nhờ mạnh dạn đầu tư vào đường giao thông nông thôn, đến nay, việc đi lại của bà con, đồng bào trong xã đã tương đối thuận lợi. Đường giao thông nội đồng bước đầu được kiên cố hóa, bê tông hóa đã tạo điều kiện cho nhiều cánh đồng trong xã như Khon Chỉa trước đây chỉ trồng được một vụ lúa thì đến nay đã trồng được 2 vụ lúa và một vụ màu".