Dân Việt

6 lần hoãn phiên tòa vì bị cáo... cáo bận

01/06/2015 07:41 GMT+7
Hồ sơ hoàn tất từ đầu năm 2013 và đến nay đã 6 lần tòa án có quyết định đưa ra xét xử, song vụ án cán bộ xã, huyện bắt tay nhau tham nhũng xảy ra tại địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) vẫn chưa thể khép lại. Đơn giản là các bị cáo thi nhau... cáo bận, không chịu đến hầu tòa.
img
Nhóm cán bộ xã, huyện tham nhũng tại phiên tòa bị hoãn mới đây.
Trưởng thôn được dịp tung hoành

Thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB) trong dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, năm 2007, Phùng Hòa Bình (SN 1975, trưởng thôn 7, xã Hạ Bằng, Thạch Thất) được “biên chế” vào tổ kiểm đếm tài sản số 4 do Đỗ Văn Dũng (SN 1968) - cựu Phó chủ tịch UBND xã Hạ Bằng làm tổ trưởng. Ngày 13.6.2007, khi kiểm đếm tài sản đối với thửa đất số 9, tờ bản đồ số 12 tại địa phương, Bình nhận thấy thực tế phần diện tích này chỉ là 1 cái ao, xung quanh có khoảng 20 cây keo và đang do một người dân tạm dùng nuôi vịt.

Biết rõ thửa đất do UBND xã quản lý, song Bình vẫn xin ý kiến và được Nguyễn Thành Huyên (SN 1981), khi ấy là cán bộ Ban GPMB của huyện Thạch Thất, kiêm tổ phó Tổ kiểm đếm tài sản số 4 chấp thuận cho… làm bậy. Theo đó, Bình nhanh chóng lập hồ sơ giả thể hiện thửa đất số 9 đã được giao cho 3 hộ dân ở địa phương canh tác. Huyên trực tiếp vẽ sơ đồ tách thửa đất, sau đó được Nguyễn Đức Tâm (SN 1970, cựu cán bộ địa chính xã Hạ Bằng) xác nhận và Đỗ Văn Dũng ký tên, đóng dấu về nguồn gốc đất. Công đoạn sau cùng, Bình nhờ 3 hộ dân đứng ra nhận cái ao nuôi vịt nêu trên là của họ và ký tên lĩnh tiền bồi thường GPMB giúp. Với trò “ảo thuật” ấy, Bình đã rút được gần 134 triệu đồng ngân sách Nhà nước.

Trong một diễn biến khác, năm 1995, UBND xã Hạ Bằng giao thầu cho hộ ông Nguyễn Văn Vỹ (người địa phương) sử dụng hơn 4.000m2 đất ở thôn 4. Năm 2004, thực hiện chính sách quản lý đất đai, chính quyền xã đã thu hồi lại thửa đất của ông Vỹ và bỏ không. Thế nhưng đến năm 2008, ông Vỹ vẫn gán nợ bằng miệng cho gia đình Nguyễn Văn Xuyến (SN 1965, cựu Phó chủ tịch HĐND xã Hạ Bằng) thửa đất này. Một ngày đầu tháng 3.2008, tổ kiểm đếm tài sản do Huyên trực tiếp giải quyết dù biết rõ thửa đất hơn 4.000m2 thuộc quản lý của Nhà nước nhưng vẫn lập khống hồ sơ và “vẽ” ra rất nhiều tài sản trên đất để Xuyến chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng ngân sách. Tâm và Dũng đều biết rất rõ những vẫn “vui vẻ” ký xác nhận nguồn gốc đất để “đồng liêu” nhận được một khoản tiền bất chính.    
             
Hàng loạt cán bộ “thoát hiểm”

Cũng vào thời điểm Nhà nước có quyết định thu hồi đất để triển khai dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, mẹ con anh Vũ Anh Tuấn (trú ở quận Cầu Giấy) đã “trót” mua thửa đất hơn 8.000m2 của một số hộ dân ở xã Hạ Bằng. Tuy nhiên, do đây là đất sản xuất nằm trong quy hoạch nên anh Tuấn không thể sang tên đổi chủ được. Quá trình kiểm kê tài sản, Dũng nhận thấy anh Tuấn không đủ điều kiện để được nhận tiền bồi thường theo quy định, do đó đã chủ động liên hệ và đặt vấn đề hợp thức hóa giúp.

Sau nhiều lần ngã giá, anh Tuấn chấp nhận “bôi trơn” 100 triệu đồng để ê-kíp của Dũng rút được tiền đền bù. Ngày 7.1.2008, tại một nhà hàng ở Thạch Thất, anh Tuấn đã giao trước cho Dũng 50 triệu đồng, một nửa còn lại hai bên thống nhất khi nào lấy được tiền đền bù sẽ quyết toán.

Thực hiện “đơn đặt hàng” của anh Tuấn, Dũng và Huyên sau đó đã chỉ đạo các thành viên trong tổ kiểm đếm tài sản lập hồ sơ khống, mượn tên tuổi của một số hộ dân ở địa phương và đã rút được hơn 1,1 tỷ đồng tiền bồi thường đối với thửa đất hơn 8.000m2 kể trên. Ngoài những lần lợi dụng chức quyền để làm bậy đã nêu, Đỗ Văn Dũng cùng đồng bọn còn tiếp tay cho một số đối tượng lừa đảo khác, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2 tỷ đồng nữa.

Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác định trong vụ án còn có một số cán bộ có sai phạm là ông Chu Đại Thành - Phó chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường; ông Cấn Văn Lai - Trưởng Ban bồi thường GPMB, Phó chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện và ông Khuất Khắc Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất… Các cá nhân này  thiếu trách nhiệm khi không kiểm tra, kiểm soát, đã để 16 trường hợp kê khống tài sản trên đất hoặc không thuộc đối tượng được đền bù theo quy định của pháp luật “lọt lưới”. Tuy nhiên, xét thấy các cá nhân đó chỉ vì do tin tưởng cấp dưới và không có tư lợi nên không cần thiết phải xử lý bằng pháp luật hình sự.

Với các hành vi gây ra, Đỗ Văn Dũng, Nguyễn Thành Huyên cùng 6 bị cáo liên quan đã bị truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội về 5 tội danh khác nhau, trong đó có tội “Nhận hối lộ”. Và mới đây, vụ án lần thứ sáu được đưa ra xét xử, nhưng tiếp tục bị trì hoãn do một bị cáo vắng mặt.