Về đất liền sinh con
Xóm nhỏ dân sinh ở đảo Trường Sa Lớn gồm 7 gia đình, cùng ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa ra. Năm 2008, theo phong trào vận động của tỉnh, 7 gia đình cùng tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống. Đến đảo, họ được bố trí ở cùng một dãy nhà gồm 7 hộ liền nhau, có cổng riêng. Mỗi căn hộ có hai phòng, bếp và nhà tắm tách riêng, phía sau có mảnh vườn trồng rau.
Anh Đặng Thanh Chương (ngồi giữa) đang tiếp đoàn khách đến thăm nhà. |
Khi các gia đình ra đây, Ban chỉ huy quân sự đảo đã thu dung tất cả các chị vợ vào làm công nhân, phục vụ bếp ăn quân đội, còn các ông chồng hoạt động kinh tế độc lập, đánh cá mưu sinh. Tuy nhiên có một gia đình không đi theo mô hình này, đó là gia đình anh Đặng Thanh Chương và chị Bùi Thị Nhung.
Anh Chương trước khi tình nguyện ra đảo là công nhân lái xe tải. Còn vợ anh, chị Nhung làm cô giáo tiểu học. Khi ra đây, cô giáo Nhung tiếp tục theo nghề, còn anh Chương được thu dung vào làm công nhân phục vụ bếp ăn quân đội. Gia đình anh có một cháu gái lên 6 tuổi. Qua hè này bước vào lớp 1.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh chị, chỉ có mình anh Chương ở nhà. Hỏi ra mới biết chị đến ngày ở cữ, vừa xin phép chính quyền tại đây về đất liền sinh con. Lý do chị phải về đất liền là do khi sinh cháu đầu, chị đã phải mổ đẻ. Sinh lần thứ 2 này chắc chắn phải mổ lần nữa. Trong khi đó, bệnh xá ở đảo Trường Sa chưa có đủ phương tiện y tế đảm bảo cho ca mổ đẻ này. Do đã tiên liệu được trước thời gian sinh cháu, nên cô giáo Nhung đã bố trí dạy các cháu trước thời gian để hoàn thành chương trình sớm.
Lớp học ở đây cũng thật đặc biệt. Một mình cô Nhung dạy 4 lớp: Lớp 1 gồm 2 cháu, lớp 2 gồm 2 cháu, lớp 4 cũng gồm 2 cháu (chưa có lớp 3); riêng lớp mẫu giáo thì có 2 cháu lớn và 1 cháu nhỏ, phải thêm một cô giáo khác hỗ trợ. Theo anh Chương, chị về sinh con khoảng 3 tháng, khi cháu cứng cáp, chị lại đưa các con ra đảo tiếp tục dạy học.
Cả xóm có 10 đứa trẻ
Vào trong xóm, chúng tôi được biết, các gia đình ở đây vợ chồng đều còn trẻ, đều từ 1 đến 2 con, riêng có 2 gia đình 3 con. Tổng số có 10 đứa trẻ trong xóm. Vậy là, cả xóm kể cả bố mẹ, đã có đến 24 công dân. Tiếng nô đùa của trẻ. Tiếng chó sủa, tiếng gà kêu, tiếng lợn ủn ỉn trong chuồng… Mảnh sân của một nhà ai đó có tã trẻ con đang phơi.
Ngoài vườn, cây chuối, cây đu đủ trĩu trịt quả. Hai thứ cây này rất hợp với thổ nhưỡng Trường Sa. Mấy cây đu đủ quả đã chín, chủ nhà chả buồn hái xuống, bởi ăn không xuể. Phía sau nhà vườn tược có đủ thứ rau, nhiều nhất là rau muống, ngoài ra còn rau khoai, rau cải, rau mùng tơi tươi tốt… Cuộc sống cứ sinh sôi, chắc bền từng ngày, từng ngày một.
Gia đình anh Chương tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống theo cách rất chi là… lãng mạn. Một hôm, sau một ngày lái xe đường trường trở về nhà, cô giáo Nhung mắt sáng lên khoe đang có chính sách vận động ra đảo Trường Sa sinh sống theo chủ trương dân sự hóa cuộc sống ở đảo. Vợ anh nói thấy cũng hay hay, rồi rủ hay là vợ chồng mình đi. “Thế là chúng em đăng ký. Sau một thời gian, chúng em được gọi đi. Cả hai bên ông bà nội ngoại đều đồng ý và tôn trọng quyết định của bọn em” - anh Chương kể.
Văn Giá