Dân Việt

Thân thương nghệ sĩ về làng

05/06/2011 08:31 GMT+7
(Dân Việt) - “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”, các nghệ sĩ chúng tôi đã gặp đều nói như vậy về những chặng đường vất vả họ đã trải qua khi đi lưu diễn ở vùng sâu vùng xa.

Những tờ tiền cũ

NSƯT Hà Quốc Minh (quyền Giám đốc Nhà hát Chèo VN) nhớ lại: “Trong những chuyến lưu diễn phục vụ nông dân, nghe tin có văn công về biểu diễn là họ lại đổ xô đi xem, xem rất đông, cổ vũ rất nhiệt tình. Đó là điều chúng tôi ít khi cảm nhận được ở khán giả thành phố.

Nhà hát Chèo chúng tôi diễn chủ yếu là phục vụ bà con, không bán vé, còn nếu bán thì cách đây khoảng chục năm cũng chỉ 2.000 đồng/vé. Cuối buổi diễn nhìn những đồng tiền vé cũ nhàu, ai cũng cảm động”.

Cùng tâm trạng đó, nghệ sĩ cải lương Hoa Phượng (Đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau) bồi hồi: “Khi Hoa Phượng vừa mới đoạt giải Trần Hữu Trang, đi đâu bà con cũng nhận ra hết. Cái tên mình cũng ấn tượng nữa nên mọi người cứ vừa khen, hỏi han không ngớt lời.

Các diễn viên Đoàn cải lương Vàm Cỏ - Long An nhớ lại: “Hồi về Huế đêm trước diễn “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lỡ nhịp cầu duyên” hay quá, không ít khán giả sụt sùi khóc nên đêm sau khán giả đi xem đông nghẹt, không chỉ vì vở diễn hay mà còn vì thương các nghệ sĩ của đoàn cải lương nghèo quá. Hội Phụ nữ thôn Tân Ba (thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế) đã đích thân đứng ra vận động quyên góp tiền... ủng hộ đoàn. Số tiền chỉ 200.000 đồng nhưng chúng tôi nhớ mãi".

Còn với nghệ sĩ trẻ Lộc Huyền (Nhà hát Tuồng VN), lần theo đoàn vào biểu diễn trong Tây Nguyên là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Lúc ấy, sau khi diễn xong, tất cả khán giả về hết thì có một em nhỏ đến tặng hoa và bảo: “Cô ơi, sao cô diễn hay thế!”. Rồi cô bé ấy dúi vào tay Huyền một nắm tiền toàn 1.000, 2.000 đồng mà cô bé dành dụm được.

“Tôi không nhận nhưng cô bé bảo cô ơi phải lấy tiền, cô mà không lấy cháu sẽ khóc! Cháu cũng thích làm nghệ thuật giống như cô, nhưng nhà cháu nghèo lắm, không có đủ tiền để theo học. Tôi đã khóc vì tấm lòng của cô bé nghèo”.

NSƯT Hán Văn Thân- Nhà hát Tuồng VN chia sẻ: “Trong chuyến đi lưu diễn ở Tuyên Quang, khi cả đoàn kéo nhau ra chợ mua đồ sinh hoạt, nhân dân địa phương nhận ra, họ xúm lại bảo từ trước đến nay chưa có đoàn văn công nào đến biểu diễn lại hay và nhiệt tình như vậy. Không chỉ thế, cứ sau mỗi đêm diễn họ lại đến tận nơi văn công ở để tặng hoa và bánh kẹo. Thế là, mặc dù mệt nhưng mọi người lại cùng nhau ngồi lại, liên hoan một bữa cho đến tận sáng mới chịu về”.

Tai nạn cũng không sao

Nếu với nghệ sĩ nghiệp diễn là cuộc sống, thì mỗi lần đi diễn lại như một “canh bạc”. Không ít lần, nghệ sĩ gặp phải những trắc trở ngoài ý muốn. Danh hài Hoài Linh nhớ lại: “Lúc đó là lễ Vu Lan, Hoài Linh và ekip Nụ cười mới lưu diễn xuyên Việt. Vừa diễn ở Huế xong là phải ngay lập tức chạy về cho kịp chương trình từ thiện tại Nha Trang. Có lẽ tài xế mệt nên đã lạc tay lái, xe lọt xuống ruộng, cả đoàn sợ xanh cả mặt. Đến được địa điểm diễn thấy bà con nhiệt tình nên quên luôn cả những đau đớn, sây sát vì tai nạn vừa gặp”.

Ngay cả những ngôi sao ca nhạc như Đan Trường, cũng gặp phải không ít khó khăn khi mang được lời ca, tiếng hát đến với người nông dân, anh chia sẻ: “Trong chuyến lưu diễn ở miền Tây, phục vụ cho bà con vùng sâu vùng xa, Trường phải đi bằng xuồng mới đến điểm diễn. Trời vừa khuya mà lại mưa nữa, cả đoàn cứ loay hoay chạy tới chạy lui gần cả tiếng đồng hồ không biết đường đi vì mênh mang sông nước chẳng biết đâu mà lần. Nhưng vui nhất là khán giả nhiệt tình, yêu quý, lúc thì lời thăm hỏi, lúc thì bịch trái cây, chai nước, khăn giấy gửi kèm theo vì thấy hát… tội quá”.

Không chỉ biểu diễn phục vụ nông dân, mà diễn viên cũng gặp phải những hoàn cảnh “rơi nước mắt”, diễn viên điện ảnh Quang Lâm chia sẻ: “Trong một lần quay phim ở Phú Thọ, nhìn cảnh các cháu bé đi bộ gần 8 cây số đến trường, nghĩ lại con cái mình ở nhà điều kiện vật chất đầy đủ mà lòng tôi nghẹn ngào. Sắp tới, đoàn phim sẽ quay trở lại để mang những món quà, như cặp sách, đồ dùng học tập, hy vọng sẽ phần nào giúp đỡ các cháu”.