Theo ông Toàn, trách nhiệm giải quyết việc bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng nứt nhà trong quá trình thi công hầm đường bộ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là của chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị bảo hiểm công trình.
Ngoài ra, UBND Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường đi qua có trách nhiệm chỉ đạo phòng kinh tế hạ tầng, UBND các xã và ban nhân dân các thôn liên quan tích cực phối hợp cùng chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị bảo hiểm trong công tác kiểm tra, xác định mức độ bị ảnh hưởng và vận động nhân dân ủng hộ để sớm thực hiện hoàn thành dự án.
“Đối với các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, hư hỏng nứt nhà do việc thi công gây ra, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công và đơn vị bảo hiểm công trình chủ động kiểm tra, ghi hình, chụp ảnh, lập biên bản xác nhận hiện trạng trước để có cơ sở giải quyết việc bồi thường hư hỏng (nếu có) sau này...”, ông Toàn chỉ đạo.
Theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, khi có đơn kiến nghị của nhân dân yêu cầu bồi thường hư hỏng, nứt nhà do việc thi công công trình gây ra, UBND huyện hoặc UBND cấp xã chuyển ngay cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công và có công văn yêu cầu nhà thầu kiểm tra, giải quyết.
Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đơn kiến nghị, đề nghị chuyển đến, nhà thầu thi công cùng với đơn vị bảo hiểm mời phòng kinh tế hạ tầng, UBND xã và ban nhân dân thôn cùng đi kiểm tra thực tế, lập biên bản xác nhận mức độ ảnh hưởng.
Trước đó, như tin đã đưa, nhà thầu và các đơn vị liên doanh gói thầu 4 (Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi - đoạn qua xã Duy Trinh – Duy Xuyên) công bố bảng giá đền bù lần 2 với người dân trong buổi đối thoại vào ngày 30.5, mức đền bù đã tăng lên gấp 2 lần so với trước đó. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ dân xóm Nam Sơn, thôn Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) không đồng tình vì cho rằng giá này vẫn còn thấp.