Vậy mà những câu chuyện ấy, bạn phải là người may mắn lắm mới được nghe người già kể. Hoặc là người có duyên mới gặp được những ông Mo Mường trong những lần diễn xướng để nghe những câu chuyện thần thoại kì vĩ, "tái hiện lịch sử loài người".
Nghe người già kể lại, Hòa Bình vốn là cái nôi của nền văn minh lúa nước nên còn giữ được những nét văn hóa cốt lõi của người Việt cổ. Ngoại trừ những đình, miếu, nhà gác (nhà sàn), lịch đoi (lịch làm theo sao Đoi)… ta còn nhận ra những giá trị văn hóa phi vật thể truyền miệng vô giá. Trong đó, Mo Mường là môt giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc Mường.
Xưa kia, người ta thường nhắc đến chuyện dân tộc Mường không có chữ viết. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kĩ, khái niệm “không có chữ viết” ấy cũng không có gì đặc biệt. Họ tuy không sáng tạo ra hệ thống kí tự riêng nhưng vẫn biết sử dụng chữ Hán, chữ Nôm như người Việt. Tuy nhiên, chỉ có con cái các nhà quyền thế mới được học và có điều kiện sử dụng chữ viết đó. Còn với người dân lao động chỉ có các bài Mo của các thầy Mo truyền miệng. Mo vừa là cuốn sách giáo khoa dạy người ta biết sống có đạo nghĩa, vừa là pho sử bất thành văn và cũng là tấm gương phản chiếu tính cách và tâm hồn người Mường.
Một nghệ nhân, thầy Mo cao tuổi đang trình diễn kể Mo tại lễ nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam (ảnh: Đinh Hải).
Chẳng thế mà ngoài 7 nhóm Mo nghi lễ là các bài Mo kể chuyện, Mo “nhòm” (Mo tả cảnh). Theo những lời kể âm vang của thầy Mo, người trong nhà ngoài xóm cùng được nghe lại những chuyện “Đẻ đất”, “đẻ trứng Điếng”, “chia năm tháng”, “đẻ pèl”… Rồi đến chuyện đẻ anh em Tá Cài, Tá Cần với những gì phảng phất không khí của một xã hội loài người bước đầu có phân chia giai cấp. Kế đến là những gì thiêng liêng mà gần gũi như chuyện xin lửa, đẻ bát, đẻ sanh, đẻ ninh, đẻ đèn dầu, đẻ tlống thôm… Hình thức diễn xướng của Mo Mường cũng rất đa dạng, bao gồm cả âm nhạc, múa, sân khấu…
Giờ đây, khi về trên quê hương Hòa Bình, chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã có sự bảo tồn, chăm lo rất tốt. Trên khắp bốn vùng Mường lớn ta đều bắt gặp những thầy mo Chiến, thầy mo Lươm ở Mường Bi (Tân Lạc), thầy mo Nhúm, thầy mo Chành ở Mường Động (Kim Bôi); thầy Kệnh ở Mường Thàng (Cao Phong); thầy Trí, thầy Đỏn ở Mường Vang (Lạc Sơn)… Khác với suy nghĩ của nhiều người, các bài mo không phải dùng để chữa bệnh theo kiểu không chữa mà khỏi, không thay thế có Đông, Tây Y mà mang ý nghĩa tinh thần khi gọi con cháu về bên người ông, người bà đang lâm bệnh, dùng sức mạnh tình cảm gia đình để động viên họ vượt qua bệnh tật.
Cuối tháng 5 năm 2015 vừa qua, Mo Mường Hòa Bình đã được nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam. Hai mươi nghệ nhân Mo đầu tiên cũng đã nhận được chứng nhận của tổ chức này.
Được nghe những áng Mo Mường với khúc thức và ngôn ngữ cổ như đưa ta về với thuở hồng hoang của người Việt cổ, với sự hồn nhiên, chân thật của những cư dân của nền văn minh lúa nước.