Dân Việt

“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

05/06/2011 16:28 GMT+7
(Dân Việt) - Để Đề án 1956 về “Dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020” đi vào cuộc sống, vai trò của lực lượng tuyên truyền viên rất quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để lực lượng này phát huy hiệu quả vẫn là “bài toán khó”...

Làm vì lòng nhiệt tình

Ông Nguyễn Giang Sơn-người có gần chục năm gắn bó với hoạt động của Hội Nông dân chi hội 3, xã Phù Vân (Phủ Lý, Hà Nam) đã giúp rất nhiều nông dân hiểu sâu về chính sách của Đảng, thay đổi cách làm ăn để có được cuộc sống tốt hơn.

img
Một buổi sinh hoạt chi hội nông dân có lồng ghép tuyên truyền Đề án 1956 tại Hà Nam.

Từ khi có Đề án 1956, ông được tham gia lớp tập huấn tuyên truyền và trở về tuyên truyền lại chính sách cho bà con thông qua các buổi sinh hoạt chi hội. “Khi biết có Đề án này, bà con rất quan tâm, hỏi han rồi so sánh xem mình có thuộc diện được hỗ trợ đi học không, nếu được hỗ trợ thì học nghề gì. Cứ gặp tôi là bà con lại hỏi…” - ông Sơn nói.

Tuy nhiên, cũng như tuyên truyền bao chính sách khác, cho đến thời điểm này những đóng góp của ông Sơn vẫn chỉ được ghi nhận bằng tinh thần chứ chưa có hỗ trợ kinh phí. Ông Sơn cười buồn: “Giờ đi lại cũng tốn kém, nhưng chúng tôi xác định làm vì lòng nhiệt tình thôi”.

Ông Vũ Ngọc Thi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Vân cho biết: “Cho đến thời điểm này có thể nói Đề án 1956 của Chính phủ đã được Hội Nông dân và các cơ quan có liên quan triển khai sâu rộng xuống tận các thôn, xã và bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong việc phát triển kinh tế địa phương”.

Để nông dân hiểu được chính sách, vai trò của những cán bộ tuyên truyền cấp cơ sở là rất quan trọng. “Tuy nhiên, chỉ có phó chủ tịch hội nông dân cấp xã được hưởng chút phụ cấp chứ chưa “phủ” đến cấp thôn. Vì thế, nơi nào chi hội trưởng nông dân nhiệt tình thì chính sách đến được với bà con, không nhiệt tình thì chịu...” - ông Thi nói.

Theo ông Thi, Đề án 1956 của Chính phủ là một Đề án “dài hơi” nên để người dân có thể tiếp cận được thì rất cần các chính sách hỗ trợ dành cho cán bộ tuyên truyền cấp thôn – người trực tiếp đưa Đề án 1956 đến với người nông dân.

Còn nhiều trăn trở

Đề nghị này cũng là mong mỏi của tuyên truyền viên các cấp. Bà Lê Thị Thanh Hương - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm – T.Ư Hội NDVN cho hay, trong năm 2010, Trung tâm đã mở được 56 lớp tập huấn về tuyên truyền Đề án 1956 tới 2.800 đối tượng là chi hội trưởng hội nông dân và phó chủ tịch hội nông dân xã. Các lớp tập huấn trong 3 ngày, sau đó tuyên truyền viên về địa bàn phổ biến lại chính sách thông qua sinh hoạt chi, tổ hội. Họ làm việc tự nguyện, không có kinh phí.

Ngoài lực lượng tuyên truyền viên là cán bộ hội nông dân, các ngành khác như LĐTBXH, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng tổ chức lực lượng tuyên truyền viên đặc thù. Chẳng hạn, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) năm 2010 cũng tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn chọn nghề cho cán bộ các trung tâm dạy nghề, phòng LĐTBXH huyện (21 lớp, 1.125 người).

Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, nếu có kinh phí tuyên truyền thì hoạt động sẽ quy củ hơn, cán bộ chi hội sẽ coi đó là công việc trọng tâm, đầu tư thời gian, công sức hơn để tuyên truyền, tư vấn có chất lượng. “Chúng tôi đã có đề nghị hỗ trợ kinh phí cho tuyên truyền viên theo đúng tinh thần của Đề án 1956 nhưng đề nghị này chưa được phê duyệt”.

Bà Hoàng Thị Minh -Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và giải quyết việc làm nông dân tỉnh Điện Biên cũng chia sẻ, thời gian qua, Trung tâm đã mời hơn 100 cán bộ cấp chi hội nông dân và chủ tịch hội nông dân các xã, phường đi nghe tập huấn về triển khai Đề án 1956.

“Đây là những cán bộ sẽ trèo đèo lội suối “đưa” Đề án 1956 tới bà con…”. Cũng theo bà Minh, nếu lực lượng này được chút phụ cấp tuyên truyền thì “họ sẽ tuyên truyền thường xuyên, bài bản và chúng ta có thể kiểm tra, đánh giá lại xem hiệu quả như thế nào”- bà Minh nói.