Ông có nhận định gì về thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trong thời gian qua?
- Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trong thời gian qua quả thật là rất nhức nhối, tuy nhiên số vụ phát hiện rất ít, chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Theo Báo cáo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2013 thì có hơn 1.000 trẻ em trong cả nước đã bị xâm hại tình dục, nhưng báo cáo từ Bộ Công an vào tháng 4.2015 cho thấy con số này còn cao hơn nhiều. Theo đó, có 1.500 trẻ em bị bạo lực và có tới 80% trong số đó bị xâm hại tình dục.
Đặc biệt thời gian gần đây, đã xuất hiện hành vi xâm hại tình dục ở trẻ em nam, xâm hại tình dục trẻ em ở nhóm người đi du lịch.
Có ý kiến cho rằng, Internet là một trong những nguyên nhân dẫn với hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Ý kiến trên là hoàn toàn đúng, đặt trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi như hiện nay. Do không quản lý được công nghệ nên phim ảnh đồi trụy, game bạo lực… đã tác động rất nhiều tới giới trẻ. Ngoài nguyên nhân trên, cũng phải kể tới một loạt những yếu tố khác như xã hội có nhiều người đồi trụy, tha hóa đạo đức…, bởi vậy mới dẫn tới tình trạng này.
Theo ông trẻ em khi bị xâm hại tình dục thường sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng như thế nào?
- Việc bạo lực trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng thường để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Đặc biệt, trẻ bị xâm hại tình dục thường khó hồi phục về cả thể chất lẫn tinh thần.
Trẻ bị thương tổn trên cơ thể, rách cổ tử cung, chảy máu trong, xây xước cơ thể…Nếu những thương tổn về thể xác có thể hồi phục, thì những vết thương về tinh thần thường rất khó lành lặn. Khi bị xâm hại tình dục, trẻ em thường có khuynh hướng sợ hãi, không tin tưởng bất kỳ ai, sợ tiếp xúc với người lạ, đặc biệt cảm thấy lo lắng khi gặp người khác giới. Về lâu dài nếu không được điều trị, trẻ có thể bị trầm cảm, có trường hợp còn tìm tới cái chết.
Theo ông, khi trẻ bị xâm hại tình dục, cha mẹ trẻ cần ứng xử thế nào?
- Khi có con bị xâm hại tình dục, mặc dù rất đau lòng nhưng bố mẹ cần bình tĩnh vì càng bình tĩnh thì càng làm giảm sự hoảng loạn với trẻ. Tiếp sau đó, cha mẹ nên làm việc với cơ quan chức năng (UBND phường xã, cán bộ chăm sóc trẻ em trên địa bàn) để thu thập bằng chứng. Sau đó phải xác định ngay nguy cơ và tiến hành thực hiện quy trình trợ giúp, can thiệp hỗ trợ trẻ bị xâm hại tình dục.
Điều đầu tiên cần làm là phải kết nối với các dịch vụ can thiệp y tế, hỗ trợ trẻ về tinh thần như tạo một chỗ ở yên tĩnh, tránh xa đàn ông. Đồng thời tiếp tục thực hiện biện pháp tư vấn, giảm thiểu nỗi sợ hãi về tinh thần. Tiếp đó là xử lý các đối tượng gây án.
Có gia đình cho rằng khi con bị xâm hại tình dục thì nên im lặng để tránh điều tiếng, chấp nhận tiền đền bù của thủ phạm và bỏ qua mọi việc thay vì tham gia kiện tụng? Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi khẳng định, đây là việc làm hoàn toàn sai trái. Gia đình che giấu sự việc thì sẽ trở thành tòng phạm với thủ phạm, vi phạm pháp luật. Việc che giấu tội phạm hoặc đàm phán với kẻ phạm tội không những không mang lại “hòa bình” mà còn làm cho trẻ có tâm lý lo sợ, không còn niềm tin vào lẽ phải, sự đúng sai.
Việc gia đình tố cáo không chỉ để trừng trị thủ phạm thủ mà còn giúp con trị liệu tâm lý, hỗ trợ con vượt qua sang chấn.
Cảm ơn ông!