Dân Việt

Kịch Lưu Quang Vũ được tái hiện bởi lớp diễn viên trẻ

04/06/2011 09:06 GMT+7
Dân Việt – “Ông không phải là bố tôi” – vở kịch về đề tài gia đình trong đời sống hiện đại của tác giả Lưu Quang Vũ đã được tái hiện sinh động qua diễn xuất của các sinh viên năm cuối thuộc lớp diễn viên trường SKĐA.

Ngày 3.6, tại Rạp Công Nhân (Hà Nội), lớp diễn viên SKĐA K27 – khóa học 2007-2011 đã có buổi biểu diễn báo cáo tốt nghiệp với vở “Ông không phải là bố tôi” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Mặc dù mới chập chững bước vào nghề diễn, nhưng bằng những nỗ lực và tâm huyết của mình, các diễn viên trẻ này đã chuyển tải thành công đến người xem thông điệp đầy ý nghĩa của vở kịch.

img
Mâu thuẫn gay gắt giữa Thiết và bố là ông Ủng được đẩy lên cao độ bằng lời phủ nhận: "Ông không phải là bố tôi". Ảnh: Lãng Phong

Được sáng tác và dàn dựng từ năm 1988, nhưng đến nay, giá trị nhân văn của “Ông không phải là bố tôi” chưa bao giờ cũ khi tác phẩm đã phản ánh được vấn đề bản chất trong mối quan hệ gia đình – quan hệ vĩnh viễn của xã hội.

Nhân vật chính của vở kịch – anh Thiết, vì những tổn thương trong quá khứ và những thiệt hại trong hiện tại do người cha gây nên, đã từ chối nhận cha mình là ông Ủng và thậm chí họ còn đem kiện nhau ra tòa. Nhưng cách đối xử của bố đối với ông nội chính là tấm gương để Tân – con trai Thiết nhìn vào và noi theo.

Và chỉ đến khi những toan tính và sự dửng dưng đối với các giá trị tình cảm gia đình thiêng liêng của vợ chồng Thiết được phản ánh qua những hành động “táng tận lương tâm” của Tân thì họ mới giật mình nhìn lại và thay đổi.

img
Các sinh viên năm cuối lớp diễn viên SKĐA K27 đã chuyển tải thành công thông điệp đầy tính nhân văn của vở kịch. Ảnh: Lãng Phong 

Là người đạo diễn, biên tập và dàn dựng vở “Ông không phải là bố tôi” cho các sinh viên làm bài tốt nghiệp, TS. Phan Trọng Thành chia sẻ:

“Khi dựng vở này, tôi không đi tìm những giá trị thời sự, không quan trọng xây dựng tính cách thời đó mà quan trọng là khai thác bề sâu tâm lý - những giá trị lâu dài mà các nhân vật đang chuyển tải trong kịch Lưu Quang Vũ. Có những cảnh lột tả được nỗi đau thẳm sâu của đời sống, có những điều làm cho vở kịch vẫn tồn tại mãi mãi với con người, bởi những đột phá về giá trị tình cảm, xúc cảm thẩm mỹ mà nó mang lại.”