Đã 30 năm kể từ khi album “Brothers in Arms” của ban nhạc rock Dire Straits kích hoạt thời đại CD bùng nổ và cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc. Ngày nay, những chiếc đĩa CD vang danh một thời đang dần mất đi ánh hào quang của nó, thay vào đó là những file nhạc số.
Những chiếc đĩa CD nhỏ gọn từng thống lĩnh thị trường âm nhạc.
Năm 1985, ban nhạc rock Dire Straits đến từ Anh đã phát hành album thứ năm của họ với tên “Brothers in Arms”. Đó là một trong những album đầu tiên phát hành dưới dạng đĩa CD, trở thành một trong những album bán chạy nhất mọi thời đại và làm nên cuộc cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc.
Lần đầu tiên, một album được bán ra với số lượng lớn trên một cái đĩa nhỏ gọn hơn nhiều so với dạng đĩa vinyl và dạng băng cassette và đã bán vượt mốc 1 triệu. Đó là lần đầu tiên sau 3 năm xuất hiện trong các cửa hàng băng đĩa ghi âm, “Brothers in Arms” đã trở thành cột mốc biểu tượng đánh dấu sự khởi đầu thực sự của thời đại CD.
“Brothers in Arms” được nhận xét là lá cờ đầu dẫn ngành công nghiệp âm nhạc và công chúng nhận thức được tiềm năng của những chiếc đĩa CD. Kể từ đó, đĩa compact đã trở thành “sản phẩm giải trí dành cho gia đình phát triển nhanh nhất trong lịch sử”.
Doanh số bán đĩa CD đã vượt qua doanh số bán của đĩa vinyl vào năm 1988 và băng cassette vào năm 1991. Các đĩa quang kích thước 12cm trở thành phương tiện kiếm tiền nhanh nhất cho ngành công nghiệp âm nhạc, nó trở thành hào quang rực rỡ cho các nhà bán lẻ, các nhà sản xuất âm nhạc.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ thụt lùi, thu nhập từ đĩa CD trên toàn thế giới đang giảm dần và chịu thua các bản thu âm nhạc kỹ thuật số.
Rõ ràng, những thay đổi công nghệ đang diễn ra rất mãnh liệt mà không ai hay thứ gì có thể tránh khỏi, nhưng ai cũng có thể nhận thấy, các đĩa CD đã có một lịch sử rất thành công.
Đĩa CD từng là điều phổ biến đến quen thuộc và lợi nhuận mà ngành công nghiệp âm nhạc thu được nhờ CD là điều thật khó tin với bất kỳ ai.
Những năm 1990, đĩa CD nắm giữ vị trí tối cao. Khi nền kinh tế bùng nổ, doanh số bán hàng toàn cầu ra hàng năm vượt 1 tỷ vào năm 1992 và 2 tỷ USD vào năm 1996.
Chi phí sản xuất đĩa CD rẻ hơn so với đĩa vinyl, trong khi đó giá tại các cửa hàng bán ra lại có thể thu về gấp đôi. Các đĩa CD được bán ra với con số lên đến hàng tỷ và đem về lợi nhuận cho ngành công nghiệp âm nhạc nhiều hơn bao giờ hết. Điều này cũng giúp các hãng âm nhạc có thêm tiền để đầu tư hơn vào các tài năng mới.
Chính vì lợi nhuận cao ngất ngưởng dẫn đến sự ra đời của những đĩa CD lậu, cũng chính yếu tố giết chết sự hưng thịnh của CD.
Sự xuất hiện của MP3, iPod là những kẻ thù cuối cùng đánh bại đĩa CD. Khi những tập tin đầu tiên được chia sẻ vào năm 1999 và 2000, doanh số bán đĩa CD vẫn không có nhiều biến động.
Nhưng đến năm 2001, với sự ra mắt của iPod, một sản phẩm cao cấp đã thực sự đánh bại đĩa CD. Một người dùng nói: “Một khi bạn đã có iPod, đĩa CD trở thành một thứ tốn kém. CD có thể bị vỡ hoặc bị mất, trong khi các tập tin MP3 có thể nghe đi nghe lại mãi”.
Và như vậy, cuộc cách mạng của các định dạng âm nhạc đã dần giết chết ánh hào quanh của CD, thay vào đó là những định dạng âm nhạc xuất sắc và phù hợp với thời cuộc hơn.